Phát biểu ngày 28/11 với các phóng viên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: "Không có báo cáo trực tiếp nào liên hệ Thái tử (Mohammed bin Salman) với việc ra lệnh sát hại ông Khashoggi".
Ông Mike Pompeo lưu ý rằng đã nghiên cứu kỹ lưỡng những thông tin tình báo và không thấy có mối liên hệ nào giữa nhà lãnh đạo của Saudi Arabia với vụ việc này. Trước đó, ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia do vụ nhà báo Khashoggi sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Tuyên bố này trái ngược với đánh giá trước đó của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã trực tiếp chỉ đạo vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Thậm chí, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa tin CIA có trong tay bản ghi âm của một cuộc điện thoại, trong đó Thái tử Salman đã ra lệnh “sớm bịt miệng" nhà báo Khashoggi. Giới truyền thông nói rằng Giám đốc CIA Gina Haspel đã trao đổi sơ qua về bản ghi âm nói trên với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Ankara hồi tháng trước. Cuộc điện thoại diễn ra giữa Thái tử Salman và anh trai là Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ để thảo luận về nhà báo Khashoggi.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ những nghi ngờ trong cộng đồng tình báo Mỹ, cho rằng đánh giá của CIA là "vô cùng vội vã". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Nhà Trắng chưa có kết luận cuối cùng về vụ sát hại nhà báo trên. Trong khi đó, Thái tử Salman cũng kịch liệt bác bỏ cáo buộc trên của CIA.
Trước khi CIA công bố đánh giá, trong một cuộc phỏng vấn chương trình truyền hình "Fox News Sunday", Tổng thống Trump vẫn bày tỏ mong muốn Saudi Arabia là một đồng minh thân cận tại Trung Đông bất chấp những quan ngại liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Trả lời phỏng vấn, Tổng thống Trump cho biết Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã khẳng định sự vô can của mình và "nhiều người" cũng xác nhận Thái tử không biết gì về vụ việc. Ông đồng thời khẳng định ở thời điểm hiện tại, Saudi Arabia vẫn là một đồng minh của Mỹ và ông vẫn muốn duy trì mối quan hệ này "dưới mọi hình thức".
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017. Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu. Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 18 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Trump đã chỉ trích Saudi Arabia về cách thức xử lý, đồng thời bày tỏ mong muốn biết toàn bộ sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi. Mỹ cũng đã hủy thị thực của 21 quan chức Saudi Arabia bị tình nghi liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi.