Sau khi CHMP từ chối phê duyệt vaccine của Moderna trong cuộc thảo luận ngày 4/1, các nước thành viên EU đã gây áp lực yêu cầu EMA phải cấp phép cho chế phẩm này sau khi các quốc gia như Anh, Mỹ và Israel đã phê duyệt. EMA ngày 5/1 cho biết các chuyên gia của cơ quan này đang nỗ lực làm rõ các vấn đề nổi cộm với Moderna.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng ngày cũng để ngỏ khả năng EU có thể cấp phép cho loại vaccine thứ hai ngừa bệnh COVID-19 "trong vài giờ tới", đồng thời cho biết một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bàn về cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ được tổ chức trong tháng 1 này.
Chủ tịch Michel nói rằng việc cung cấp vaccine cho gần 450 triệu người dân của EU là "thách thức to lớn", nhưng nhấn mạnh Ủy ban châu Âu đang cùng các quốc gia thành viên làm việc ngày đêm để đảm bảo liên minh có thể tăng số lượng vaccine, đồng thời tôn trọng tính độc lập của cơ quan dược phẩm EMA.
Đến nay, vaccine ngừa COVID-19 duy nhất được sử dụng trong EU là loại vaccine do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất, đã được EMA cấp phép ngày 21/12/2020.
* Cũng trong ngày 6/1, công ty dược phẩm của Ukraine Biolik thông báo đã nộp đơn xin chính phủ nước này cho phép sản xuất vaccine Sputnik V phòng bệnh COVID-19 do Nga phát triển. Công ty Biolik được chính trị gia đối lập của Ukraine Viktor Medvedchuk hậu thuẫn.
Hiện Bộ Y tế Ukraine chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Y tế Viktor Lyashko nói rằng Ukraine sẽ chỉ sử dụng các vaccine đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine Sputnik V hiện vẫn đang trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3.
* Ngày 6/1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines thông báo hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng này tại Philippines.
Trước AstraZeneca, hãng dược phẩm Pfizer cũng đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Philippines loại vaccine phòng COVID-19 do hãng phát triển.