Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã bày tỏ thất vọng trước những tranh cãi hiện nay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến việc Seoul quyết định hủy bỏ Hiệp định An ninh thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Tokyo.
Ông nhấn mạnh Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có chung các mối đe dọa, cũng như ngày càng chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung, do đó ba nước sẽ "mạnh hơn khi hợp tác cùng nhau". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hy vọng Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có thể nhanh chóng giải quyết những bất đồng và tập trung ứng phó những thách thức trong khu vực, trong đó ông đề cập những thách thức từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford cũng bày tỏ lo ngại về việc Seoul rút khỏi GSOMIA dù chưa ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nào đối với các hoạt động quân sự từ quyết định này. Ông cho rằng động thái của Seoul là "một bước lùi" trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á trong khi đây là "một mối quan hệ rất quan trọng".
Khi được hỏi liệu Mỹ có kế hoạch khẩn cấp để đối phó với hệ lụy từ việc GSOMIA bị chấm dứt, ông Dunford khẳng định luôn sẵn có những cách thức khác trong việc chia sẻ thông tin cũng như những cơ chế khác cho phép Mỹ đối phó với một cuộc khủng hoảng hay sự kiện bất ngờ nảy sinh trong liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.
Đề cập các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, Tướng Dunford cho biết mặc dù quan ngại song Mỹ sẽ không phản ứng thái quá vì muốn đảm bảo "không đóng cánh cửa ngoại giao". Bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên "hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược", ông Dunford nhấn mạnh cách tốt nhất để hiện thực hóa mục tiêu này là thông qua một thỏa thuận chính trị.
Cùng ngày, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je khẳng định liên minh Hàn-Mỹ sẽ vẫn vững chắc cho dù GSOMIA chấm dứt.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, trao đổi với các phóng viên trong một cuộc họp báo, Đại sứ Cho Yoon-je cho biết Mỹ thông qua nhiều cấp và nhiều kênh đã bày tỏ tới Chính phủ Hàn Quốc quan điểm của Washington muốn GSOMIA được gia hạn vì lợi ích của cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Đại sứ Cho Yoon-je, Seoul đã cân nhắc "đến phút chót" có tính tới lập trường của Mỹ, song cuối cùng buộc phải đưa ra quyết định trên. Tuy nhiên, ông khẳng định "ngay cả trong những trường hợp như thế này, mục tiêu của chúng tôi là duy trì vững chắc liên minh Hàn-Mỹ và đảm bảo nền tảng hợp tác an ninh song phương không bị lay chuyển".
Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA năm 2016. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm, bên nào muốn rút khỏi thỏa thuận cần thông báo cho bên kia trước ngày 24/8. Hôm 22/8 vừa qua, Hàn Quốc đã thông báo quyết định không gia hạn GSOMIA với Nhật Bản với lý do có "thay đổi trầm trọng" về các điều kiện hợp tác an ninh và Tokyo từ chối các đề xuất đối thoại của Seoul. GSOMIA hiện hành dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/11 tới.