Trước khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8 ở Beirut khiến ít nhất 179 người thiệt mạng và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, Liban vốn chìm trong khủng hoảng tài chính đồng thời phải vật lộn với đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Hassan, Liban đang phải đối mặt với thách thức thực sự, đòi hỏi những biện pháp mang tính quyết định, do các khoa hồi sức cấp cứu tại cả bệnh viện công và bệnh viện tư đều đã hoạt động hết công suất. Do đó, người dân phải luôn cảnh giác cao độ, cùng thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau vụ nổ kinh hoàng, Liban đang đối mặt với nguy cơ ngày một tăng về việc lây lan virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Liban ghi nhận tổng cộng 8.881 ca mắc COVID-19, trong đó có 103 ca tử vong.
* Cũng trong ngày 17/8, các quan chức y tế Ireland sẽ nhóm họp để quyết định liệu có áp dụng thêm biện pháp nào để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 hay không. Theo kế hoạch, Ireland sẽ dỡ bỏ phong tỏa tại 3 khu vực bị ảnh hưởng vào 24h ngày 23/8 tới.
* Cùng ngày, các thánh đường, nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác tại Uzbekistan đã được mở cửa trở lại sau gần 5 tháng đóng cửa. Theo ủy ban đặc biệt phòng, chống COVID-19 Uzbekistan, các cơ sở tôn giáo này cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, găng tay, giãn cách xã hội cũng như đo thân nhiệt.
Uzbekistan bắt đầu nới lỏng phong tỏa giai đoạn 2 từ ngày 15/8, trong đó có khôi phục các tuyến đường sắt và đường hàng không nội địa, cũng như mở lại các khách sạn, quán cà phê, nhà hàng, các trung tâm thể thao và bảo tàng. Tính đến nay, Uzbekistan ghi nhận 35.513 ca mắc COVID-19, trong đó có 234 ca tử vong.
* Trong bối cảnh Nam Phi dự định tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng COVID-19, Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa cảnh báo người dân cần tiếp tục cảnh giác cao độ.
Trong bài phát biểu hàng tuần, ông Cyril Ramaphosa nêu rõ việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế là dấu hiệu cho thấy tiến triển mà lực lượng chức năng đạt được trong việc giảm các ca nhiễm mới. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để ăn mừng khi dịch bệnh đã lây nhiễm cho hơn 1 triệu người dân Nam Phi, trong đó có 11.000 người tử vong.
Theo Thủ tướng Ramaphosa, hiện Nam Phi có số người mắc COVID-19 cao thứ 5 thế giới và làn sóng lây nhiễm mới hoàn toàn có thể xảy ra tại nước này như đã từng xảy ra ở New Zealand và một số khu vực tại châu Âu.