Giới chuyên gia: Kinh tế Iran có thể suy thoái nhưng sẽ không bị khủng hoảng

Giới phân tích và nhiều quan chức Iran cho rằng nước này có thể vượt qua cơn bão mà các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra, có thể suy thoái nhưng sẽ không bị khủng hoảng kinh tế, nhờ giá dầu tăng và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và các cường quốc khác.

Chú thích ảnh
Các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra, có thể khiến kinh tế Iran suy thoái nhưng sẽ không bị khủng hoảng kinh tế, nhờ giá dầu tăng và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và các cường quốc khác. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây Mỹ đã khôi phục hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Iran, trong đó có các biện pháp cản trở ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia này. Nhưng sự liên minh giữa các cường quốc đã từng trừng phạt Iran trước đây đã tan rã kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và lần lượt gây hấn với các đồng minh trong mọi vấn đề từ thương mại đến an ninh. 

Các bên ký kết khác của thỏa thuận hạt nhân Iran, bao gồm Đức, Pháp, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc, đã chỉ trích việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận này. EU còn đang chuẩn bị một cơ chế đặc biệt để tiếp tục nhập khẩu dầu và các sản phẩm khác của Iran mà không cần đến đồng USD. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố EU đang thành lập Công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) để thực hiện các giao dịch với Iran trong bối cảnh Mỹ tái khởi động các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Hồi giáo này. Bộ trưởng Le Maire cho biết đây là một phần trong kế hoạch tăng cường "chủ quyền kinh tế" của EU, với tham vọng làm cho đồng euro có sức cạnh tranh như đồng USD.

Một quan chức cấp cao của Iran cho rằng giá dầu đang tăng và nhờ thế mà kể cả khi lượng dầu xuất khẩu của Iran giảm xuống còn 800.000 thùng/ngày thì nước này vẫn có thể vận hành được nền kinh tế. Ông cho biết ngân sách của Iran đang được xây dựng dựa trên giả định giá dầu ở mức 57 USD/thùng, và giá “ vàng đen” hiện nay thậm chí còn ở trên mức 75 USD/thùng.

Tổng thống Trump đã tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Iran đối với 7 nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng nằm trong danh sách được miễn. Số liệu của Refinitiv Eikon cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ này nhập khẩu tổng cộng hơn 80% lượng dầu xuất khẩu của Iran trong năm 2017. 

Một chuyên gia phân tích của Fitch cho rằng dù các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến kinh tế Iran suy thoái trong năm 2019, nhưng Tehran vẫn có thể tránh được một cuộc khủng hoảng, khi lượng dầu xuất khẩu của nước này dù suy giảm những vẫn ở mức khá cao. Chuyên gia này cho biết Tehran vẫn có thể duy trì được một phần lớn lượng doanh thu ngoại hối, và điều này sẽ cho phép Iran tiếp tục chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng cơ bản, giữ giá các hàng hóa này không tăng cao và vì vậy sẽ phần nào kìm hãm được lạm phát.

Với hy vọng giảm nhẹ tác động trực tiếp của các lệnh trừng phạt Mỹ đối với kinh tế Iran, giới chức nước này đã “úp mở” rằng Tehran có thể sẽ giảm giá dầu để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng đang dùng nhưng trung tâm trao đổi đặc biệt để bán USD với giá rẻ hơn cho các nhà nhập khẩu các thực phẩm cơ bản, thuốc và các hàng hóa thiết yếu khác.

Khánh Ly (Theo Reuters)
Mỹ có thể gia tăng trừng phạt đối với Iran
Mỹ có thể gia tăng trừng phạt đối với Iran

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 9/11 cho biết Washington có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Iran chỉ vài ngày sau khi một vòng trừng phạt mới được coi là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm vào Tehran có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN