Theo nguồn tin trên, các nhà khoa học hiện chưa rõ lý do dẫn tới hiện tượng này, nhưng có ý kiến cho rằng người dân ở một số quốc gia châu Phi đã tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm khác trước đây và điều này đã tạo ra khả năng miễn dịch để kháng COVID-19.
Giáo sư Francesco Checchi - chuyên gia về dịch tễ học của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) nhận xét trên thực tế virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã không hoạt động theo những cách được dự đoán ở một số nước châu Phi, trong đó có Sudan, Somalia, Kenya và Tanzania.
Giáo sư Francesco Checchi dẫn chứng một hiện tượng tương tự ở Yemen. Đây là một trong số ít quốc gia mà theo ông Checchi hầu như không có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, nhưng một số thông tin từ Yemen cho thấy dịch COVID-19 "đã qua". Theo Giáo sư Francesco Checchi, dịch COVID-19 đã lên tới đỉnh điểm tại Yemen vào tháng 5 và tháng 6, và vào thời điểm đó, các cơ sở y tế đều quá tải. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng này đã không còn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế ở châu Phi nhấn mạnh cần có thêm thời gian để kiểm chứng hiện tượng này vì một số chính phủ đã hạn chế công bố thông tin về tỷ lệ mắc COVID-19, trong khi nhiều quốc gia khác dù muốn cũng không thể chủ động chia sẻ thông tin dịch tễ. Hệ thống y tế của nhiều nước quá yếu kém và không đủ năng lực để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, giám sát hoặc truy vết quy mô lớn.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho rằng các nước Mỹ Latinh đã bắt đầu nối lại các hoạt động công cộng và khôi phục cuộc sống thường nhật quá sớm khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và cần có sự can thiệp kiểm soát quan trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, bà Etienne cho biết các trường hợp mắc COVID-19 ở khu vực biên giới giữa Colombia và Venezuela đã tăng gấp 10 lần trong 2 tuần gần đây, trong khi các quốc đảo lớn ở Caribe như Jamaica, Bahamas, Cộng hòa Dominicana cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới cao bất thường, chưa kể số trường hợp tử vong tại một số khu vực của Mexico, Bolivia, Costa Rica và Ecuador cũng gia tăng trong thời gian gần đây.
Bà Etienne cho rằng chính phủ các nước cần phải nhận thức rõ việc mở cửa trở lại các hoạt động quá sớm sẽ khiến virus SARS-CoV-2 có thêm không gian để lây lan và người dân phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Bà cũng kêu gọi các nước giám sát một cách thận trọng việc nối lại các chuyến bay vì điều này có thể dẫn tới sự thụt lùi trong công tác phòng chống dịch.
Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 với hơn 8 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 300.000 trường hợp tử vong. Nhiều nước trong khu vực nằm trong danh sách các nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới như Brazil, Peru, Mexico, Colombia, Argentina và Chile.