Phóng viên TTXVN tại Paris dẫn bài viết của Le Figaro cho biết giới khoa học lâu nay vẫn tranh luận về nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn trong những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Trên thực tế, virus phát tán càng nhiều thì càng nhân lên nhiều đột biến gene ngẫu nhiên, tương tự như một kiểu "lỗi" mã hóa. Do đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất nguy cơ phát triển của các biến thể mới.
Theo ông Samuel Alizon, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), các nghiên cứu quốc tế cho thấy việc tiêm phòng góp phần giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu của ông cùng các cộng sự tại Pháp cũng chỉ ra rằng tiêm chủng còn giúp giảm một nửa nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.
Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học London (Anh), ông François Balloux, cho rằng dù hiệu quả bảo vệ của vaccine vẫn còn hạn chế và không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy vaccine có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus, nhưng giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là tiêm phòng.
Hiện tại, ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ chiến dịch tiêm chủng quốc tế, do cuộc khủng hoảng y tế không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào. Ông Balloux nhận định: với chi phí không nhiều, nhưng việc viện trợ vaccine sẽ thể hiện trách nhiệm tích cực của các quốc gia phương Tây đối với các nước đang phát triển.
Giáo sư sức khỏe công cộng tại Đại học Geneva, Antoine Flahault, cảnh báo ổn định toàn cầu vẫn có thể tiếp tục bị đe dọa nếu một phần của thế giới "bị bỏ lại phía sau" và phải tiếp tục thực thi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, trong khi phần còn lại của thế giới đã trở lại cuộc sống bình thường.
Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ dân số thế giới có thể không được thực hiện trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể được triển khai hiệu quả trong dài hạn, giống như chương trình tiêm chủng bệnh bại liệt hoặc đậu mùa trước đây.
Ông Balloux cho rằng các chiến dịch cụ thể sẽ hữu ích hơn, mang lại hiệu quả rất tích cực mà không cần một nỗ lực quá lớn. Điều quan trọng vẫn là tiêm chủng càng nhiều càng tốt cho các nhóm dân số có nguy cơ cao như người cao tuổi, người dễ bị tổn thương và đội ngũ nhân viên y tế.
Trong khi đó, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp, ông Samuel Alizon, cho biết trung tâm này bắt đầu nhận thấy một hiệu quả khác - đó là khi tỷ lệ tiêm chủng vượt trên 60% như ở một số quốc gia châu Âu, tỷ lệ tử vong giảm mạnh cho thấy một hiệu ứng tập thể hiệu quả gấp 10 lần so với các biện pháp bảo vệ cá nhân khác gộp lại.
Vậy nên, theo các chuyên gia, việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm có nguy cơ cao càng nhiều sẽ càng tốt và các nước phát triển tham gia hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo cũng là cách tự phòng dịch và tự bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19.