Theo ông Ozaki, ngày càng có nhiều người trung niên và cao tuổi mắc COVID-19 nên số người nhập viện đang gia tăng và thời gian nhập viện kéo dài hơn. Do vậy, các bệnh viện ở Tokyo có thể "không thể bảo vệ được các bệnh nhân COVID-19 cũng như các bệnh nhân khác”.
Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo liên tục tăng. Ngày 9/12, Tokyo ghi nhận thêm 572 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên toàn thành phố lên 44.927 ca, trong đó số bệnh nhân nhập viện điều trị 1.820 người. Trên toàn quốc, số ca nhiễm mới cũng tăng cao kỷ lục với 2.811 ca trong ngày 9/12, tăng mạnh so với con số kỷ lục trước đó 2.678 ca ghi nhận ngày 28/11, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 170.158 ca. Với 42 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản lên thành 2.500 ca.
Theo cảnh báo của ông Shigeru Omi, chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu và là trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản, các hệ thống y tế ở thành phố Asahikawa thuộc tỉnh Hokkaido và các khu vực khác cũng đang rất căng thẳng, một số khu vực đang trong giai đoạn quyết định.
Trước việc dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Nhật Bản, nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi Chính phủ thu hẹp quy mô của chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel”, đồng thời kêu gọi người dân cân nhắc việc đi lại trong thời điểm cuối năm. Chuyên gia Omi cho rằng Chính phủ cần đưa các khu vực có số ca nhiễm mới tăng cao ra khỏi chương trình này. Trong khi đó, ông Toshio Nakagawa, Chủ tịch Hội Y học Nhật Bản, kêu gọi những người đang có kế hoạch đi du lịch nên suy nghĩ lại, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản dường như vẫn không muốn dừng chương trình “Go To Travel” do lo ngại việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc duy trì đà phục hồi của nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài chương trình này thêm 5 tháng, tới tháng 6/2021.