Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore ngày 12/6. Ảnh YONHAP/TTXVN |
Theo chuyên gia Harry H.Sa, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra là một nỗ lực rất lớn từ hai phía. Tuy nhiên, kết quả hội nghị lại chưa mang đến sự hài lòng tuyệt đối cho dư luận bởi hầu hết những người theo dõi cuộc chiến Triều Tiên đều biết việc giải trừ vũ khí hạt nhân đã không diễn ra ngày hôm nay và việc rút quân Mỹ tại Hàn Quốc cũng như thống nhất bán đảo Triều Tiên cũng chưa diễn ra. Điều mà mọi người chứng kiến là việc Mỹ và Triều Tiên nhất trí tiếp tục tiến trình hòa bình.
Tuy nhiên, ông H.Sa cũng nhận định việc hai bên đồng ý ký vào một tuyên bố chung là một bước đi tích cực so với trước đó, tạo ra một tiến trình quan trọng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Về phần mình, Tiến sỹ Graham Ong-Webb có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng kết quả hội nghị là tương đối tích cực. Ông cho rằng hội nghị đã cho thấy các cam kết với 4 điểm tích cực. Điểm tích cực thứ nhất được ghi nhận là sẽ có quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Điều này là chưa từng xảy ra trước đó bởi cho đến nay hai nước vẫn chưa có quan hệ ngoại giao và rõ ràng họ muốn thay đổi điều này.
Thứ hai là việc thông qua tuyên bố chung này, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Điều này cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đang cố gắng tạo ra một môi trường đối thoại mang tính xây dựng và tin cậy và hai bên đều không muốn bị đẩy đến bờ vực chiến tranh.
Theo Tiến sỹ Graham, điểm quan trọng nhất trong tuyên bố chính là việc hai bên nhất trí cam kết về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là điểm được coi là mấu chốt của tuyên bố bởi đề cập đến thái độ tích cực của các bên hướng tới quá trình này.
Cuối cùng, tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên đề cập đến các vấn đề liên quan đến tù nhân và những người còn mất tích trong chiến tranh Triều Tiên cách đây 60, 70 năm qua. Theo vị chuyên gia này, đây là một điểm rất hứa hẹn. Bằng việc trao trả các tù nhân (nếu còn), chứng tỏ tình trạng chiến tranh giữa hai bên sẽ không tiếp diễn và hai nước có thể thúc đẩy để đi đến một thỏa thuận nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh mà về lý thuyết vẫn tồn tại gần 70 năm qua này.
Đánh giá chung, cả ông H.Sa và Tiến sỹ Graham Ong-Webb đều nhận định mặc dù còn một số hạn chế nhưng kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đánh dấu một bước tiến lớn trên con đường đi tới hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo các chuyên gia này, điều quan trọng nhất là hai bên đã gạt bỏ những e ngại cũng như thách thức đến từ nội bộ mỗi nước và từ lịch sử thù địch, đối đầu trong gần 7 thập kỷ qua.