Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các thị trường mới nổi đã chứng kiến xu hướng thoái trào của danh mục đầu tư trong tháng thứ năm liên tiếp trong tháng Bảy vừa qua, đánh dấu chuỗi tháng bán tháo dài nhất kể từ năm 2005, do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và đồng USD mạnh đã rút bớt dòng tiền mặt ra hỏi thị trường.
Thị trường trái phiếu của Trung Quốc đã chứng kiến dòng tiền chảy vào khoảng 3 tỷ USD vào tháng trước, trong khi 6 tỷ USD đã chảy khỏi các thị trường mới nổi khác. Nếu được xác nhận bởi dữ liệu chính thức, đây sẽ là tháng thứ sáu liên tiếp dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi thị trường trái phiếu trị giá 20.000 tỷ USD của Trung Quốc.
Trong cùng kỳ, thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra thị trường bên ngoài khoảng 3,5 tỷ USD, so với dòng vốn cận biên là 2,5 tỷ USD vào các thị trường mới nổi khác.
Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 7% trong tháng 7/2022, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc, khủng hoảng thị trường bất động sản và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên thị trường.
Dữ liệu cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý II/2022, không đạt như kỳ vọng của thị trường với mức tăng chỉ 0,4% so với một năm trước đó.
IIF cho biết, trong những tháng tới, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến động lực của dòng tiền, trong đó thời điểm lạm phát đạt đỉnh và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ được chú trọng hơn cả.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm dần lượng trái phiếu Trung Quốc mà họ nắm giữ kể từ tháng Hai năm nay, do các chính sách tiền tệ khác nhau khiến lợi suất của trái phiếu Trung Quốc thấp hơn so với trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy mạnh việc nâng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao.