Ngày 6/7 (giờ địa phương), 40 hiệp hội kinh doanh, ngành hàng tại Mỹ - đứng đầu là Phòng Thương mại Mỹ, đã đồng ký vào bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ Trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Các hiệp hội bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, nhưng nhấn mạnh hai bên, nhất là Trung Quốc, cần “nhân đôi nỗ lực để thực thi tất cả mọi khía cạnh của thỏa thuận”.
Nhưng họ cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc chưa theo kịp tiến độ nhập khẩu hàng hóa theo các mục tiêu đã đề ra, tuy có tăng cường mua các sản phẩm nông sản của Mỹ. Nông sản là lĩnh vực được Bắc Kinh chú ý, vì đây là điểm yêu sách trung tâm của Tổng thống Donald Trump trong quá trình đàm phán 2 năm. Một nguồn tin cho biết, giới chức Trung Quốc tin rằng bằng cách duy trì nhập khẩu nông sản, Bắc Kinh sẽ giữ được thỏa thuận này.
Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc bộ phận các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ cho biết, các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, nhấn mạnh nhu cầu cần thiết phải thực thi đầy đủ thỏa thuận này. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không muốn thỏa thuận thương mại giai đoạn một trở thành nạn nhân của căng thẳng gia tăng trong quan hệ song phương Mỹ-Trung.
Sau khi thỏa thuận thương mại được ký kết vào tháng 1/2020, đối đầu trong quan hệ giữa hai siêu cường thế giới ngày một mạnh lên. Chính quyền Tổng thống Trump đang thách thức giới lãnh đạo Trung Quốc trong một loạt các vấn đề, từ kiểm soát đại dịch COVID-19, vấn đề Hong Kong, cho tới các hành động gây hấn tại Biển Đông.
Cho đến thời điểm này, dù còn có hạn chế, nhưng thỏa thuận thương mại nổi lên như là một trong số rất ít kênh mà hai bên đồng ý cùng can dự. Dự kiến, hai ông Lighthizer và Lưu Hạc sẽ tiến hành điện đàm vào giữa tháng 8 để rà soát, đánh giá việc thực thi thỏa thuận.
Các hiệp hội thương mại tại Mỹ tìm cách thúc giục nỗ lực của Nhà Trắng buộc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận. Nhưng một số quan chức trong chính quyền lo ngại rằng những gì mà ông Trump đọc được từ bức thư này có thể sẽ dẫn đến kết quả ngược lại. Khi cộng đồng doanh nghiệp ca thán Trung Quốc không chấp hành các điều khoản đã ký kết, ông Trump sẽ chịu thêm sức ép bảo thủ để từ bỏ thỏa thuận này.
Theo Clete Willems, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ, thỏa thuận thương mại vẫn là nhân tố quan trọng để gây áp lực với Trung Quốc. “Nếu không có thỏa thuận này, chúng ta sẽ không có cách nào để sửa chữa những bất cập. Cũng sẽ không có cách gì để gây áp lực buộc Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ”, ông Willems nhìn nhận.
Khi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Trump cho rằng thỏa thuận thương mại vẫn đang đi đúng hướng, dù một số quan chức có đánh giá trái ngược. Tại Bắc Kinh, tư tưởng cứng rắn chống Mỹ cũng đang dâng cao.
Hai quan chức ngoại giao và kinh tế hàng đầu của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì và ông Lưu Hạc lên tiếng cảnh báo Washington không nên can thiệp quá nhiều vào các vấn đề của Trung Quốc, nhất là tình hình Hong Kong.
Theo thỏa thuận thương mại giao đoạn một, Bắc Kinh đồng ý tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ thêm 200 tỉ USD trong thời hạn hai năm, tính đến cuối năm 2021, với mốc so sánh là giá trị nhập khẩu của năm 2017 (130 tỉ USD). Gần đây Trung Quốc tăng cường mua các mặt hàng của Mỹ như thịt gà, thịt lợn, một số sản phẩm nông nghiệp, nhưng so với mục tiêu đề ra vẫn là một khoảng cách lớn.
Theo cam kết, trong năm 2020 Trung Quốc sẽ tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ thêm không quá 63,9 tỉ USD so với mức của năm 2017. Nhưng theo thống kê từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), tổng hàng hóa nhập khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc từ Mỹ chỉ đạt mức 26,9 tỉ USD. Tính tổng trong năm tháng, tiến độ tăng mua hàng mới chỉ đạt 45% so với mục tiêu từ đầu năm tới tới tháng 5.