Cuộc thăm dò được tiến hành trong giai đoạn ngày 24/10- 5/11 với 482 doanh nghiệp phi tài chính quy mô vừa và lớn của Nhật Bản, trong đó 240 doanh nghiệp đưa ra trả lời về các câu hỏi liên quan đến thương mại. Kết quả cho thấy bất chấp bối cảnh Mỹ, Nhật Bản bất đồng quan điểm thương mại, các công ty Nhật Bản dường như tự tin rằng Tokyo sẽ phản ứng trước sức ép của Mỹ.
Đại diện một hãng chế tạo máy móc cho rằng: “Nhật Bản phải kiên định phản kháng các yêu cầu bất hợp lý từ Mỹ”. Trong khi đó, một nhà quản lý tại một hãng chế tạo thiết bị vận tải bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ mang lại kết quả đem về cho Nhật Bản những lợi ích tốt nhất.
Khi được đề nghị dự đoán về kết quả đàm phán, 50% các công ty được hỏi chọn “một sự mở rộng trong xuất khẩu”; chỉ 19% số công ty tin Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường nông phẩm trong nước, nơi mà các sản phẩm như gạo và thịt bò được các mức thuế cao “bảo hộ”, hoặc dỡ bỏ các rào cản đối với thị trường ô tô.
Khi được hỏi về quan ngại lớn nhất về các cuộc đàm phán, 53% công ty lo ngại Washington sẽ áp đặt các hạn chế nhập khẩu hoặc các mức thuế cao hơn đối với sản phẩm “Made in Japan”. 23% số công ty lo ngại về khả năng biện pháp dự phòng tiền tệ được triền khai, điều ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.
Các doanh nghiệp Nhật Bản bi quan về viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà họ cho rằng sẽ gây thiệt hại gián tiếp cho Nhật Bản – vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Khoảng 75% số doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2019, với hầu hết dự đoán tranh cãi thương mại sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong 1-2 năm tới.