Khi có thêm hàng triệu người mắc bệnh và phục hồi sau COVID-19, các bác sĩ và nhà khoa học đã quan sát thấy nhiều tình trạng mãn tính không mong đợi do nhiễm virus SARS-CoV-2. Trường hợp mới nhất và đặc biệt nhất liên quan đến các vấn đề mãn tính với tai do COVID-19, được gọi là “tai COVID” . Cái tên này được đặt theo một loạt các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến COVID-19 như “ngón chân COVID”, “lưỡi COVID”…
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Tai và mắt Massachusetts của Mỹ đã làm sáng tỏ về chứng “tai COVID”.
Trong báo cáo về nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết họ đã xem xét các mô hình tế bào của tai người - trong đó có mô tai trong của người trưởng thành – vốn được phát triển để nghiên cứu các chứng nhiễm trùng tai do virus quai bị, virus viêm gan và virus cytomegalovirus (CMV).
Sau khi các bệnh nhân COVID-19 bắt đầu báo cáo tình trạng mất thính giác, chóng mặt và ù tai, các nhà khoa học đã ứng dụng nghiên cứu trước đó về virus SARS-CoV-2 trong nghiên cứu mới. Họ tập trung xem xét cách virus này tương tác với các tế bào tai trong như tế bào lông, sợi thần kinh, các tế bào nâng đỡ và chất cách điện thần kinh được gọi là tế bào Schwann.
Từ đó họ đi đến lý giải việc các bệnh nhân COVID-19 bị những vấn đề về thăng bằng và cử động đầu. Đó là do các tế bào lông (vốn là tế bào thụ cảm cảm giác chính của tai trong, có nhiệm vụ chuyển đổi hoặc truyền tải các kích thích cơ học do âm thanh và chuyển động của đầu gợi lên thành tín hiệu truyền đến não) đóng một vai trò trong quy trình xử lý này.
Các tương tác của virus với các tế bào tai trong cũng giải thích tại sao một số bệnh nhân COVID-19 bị mất thính giác. Các tế bào lông ốc tai cũng có các protein cho phép SARS-CoV-2 xâm nhập, ít nhất là khi những tế bào này thuộc về một loài động vật khá gần về gien với con người là chuột. Những thử nghiệm khác được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu trên một nhóm 10 bệnh nhân COVID-19 cũng cho thấy các sợi lông ốc tai bị tổn thương.
Nhà khoa học William Haseltin viết về nghiên cứu đăng trên tạp chí Forbes: “Mặc dù vẫn còn thiếu những bằng chứng cho thấy tai trong thực sự bị ảnh hưởng do COVID-19, những phát hiện này vẫn là một bằng chứng mạnh mẽ về nguyên tắc, cho thấy việc nhiễm virus gây tổn hại đến các tế bào lông của tai trong, có thể là thủ phạm của chứng mất thính giác và thăng bằng ở một số bệnh nhân COVID-19”.
Yuri Agrawal, Giáo sư tại trường Y Johns Hopkins, người không tham gia nghiên cứu trên, nói với MIT News rằng, “bài báo này cung cấp bằng chứng rất thuyết phục cho thấy SARS-CoV-2 lây nhiễm vào tai trong, và có thể gây ra các triệu chứng về thăng bằng và nghe ở một số lượng lớn bệnh nhân COVID-19”.
Các nhà nghiên cứu về bệnh ở tai trong từ lâu đã gặp thách thức bởi khó khăn trong tạo lập một mô hình tin cậy. Cấu trúc của tai trong bị vùi dưới lớp xương dày đặc và chui sâu vào trong đầu, gây khó khăn cho việc tiếp cận. Do đó, nghiên cứu mới nói trên là một bước tiến trong nghiên cứu các bệnh về tai, cả không liên quan đến COVID-19.
Nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts xuất hiện sau nhiều báo cáo liên quan đến việc COVID-19 ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, thông thường không liên quan đến bệnh này.
Một bài báo gần đây trên tạp chí Scientific American đã mô tả cách COVID-19, thường liên quan đến việc mất các giác quan như khứu giác và vị giác, cũng đã khiến bệnh nhân gặp khó khăn về thính giác và thị giác. Hơn 10% bệnh nhân COVID-19 được xác nhận đã mô tả các vấn đề về tai hoặc mắt, trong đó nhiều vấn đề tồn tại như một dạng COVID kéo dài.
Một số bác sĩ thậm chí còn đề nghị mọi người nên cảnh giác với các triệu chứng như kém thăng bằng, mất thính giác và khó chịu ở mắt như là những dấu hiệu ban đầu của mắc COVID-19. Bác sĩ nhãn khoa tại Đại học Michigan (Mỹ), Shahzad Mian, nói với Scientific American rằng ông và cộng sự đã ghi nhận các vấn đề về mắt ở gần 10% trong số khoảng 400 bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại khu vực của họ chỉ trong một thời gian ngắn.