13% tổng số của cải trên thế giới, tương đương 30.000 tỷ USD, nằm trong tay chỉ 0,004% dân số trưởng thành của thế giới và mức độ tập trung tiền bạc vào tầng lớp siêu giàu đang ngày một tăng cao.Một nghiên cứu công bố ngày 20/11 của ngân hàng Thụy Sỹ UBS và hãng tư vấn Wealth-X cho biết trên thế giới có 211.275 triệu người thuộc diện "giá trị ròng siêu cao" (UHNW) với tài sản trên 30 triệu USD. Trong số đó, 2.325 người có mức tài sản trên 1 tỷ USD.
Trong năm qua, "dân số" của nhóm giàu có này đã tăng 6% song tổng tài sản trong nhóm cũng tăng 7%, hưởng lợi từ sự phát triển của các thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản tại nhiều nơi trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất ghi nhận được ở nhóm "bán tỷ phú" gồm những người có tài sản trong mức 500 triệu đến 1 tỷ USD.
Theo nghiên cứu trên, ngay cả trong bối cảnh xung đột địa chính trị, xung đột kinh tế xã hội và bất ổn tại thị trường tiền tệ tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới, các thị trường vốn vẫn hoạt động mạnh mẽ, cho phép giới UNHW gia tăng tài sản và tầm ảnh hưởng của mình. Các chuyên gia nhận định việc một lượng lớn của cải tập trung trong tay một số ít cá nhân đồng nghĩa với việc nhóm giàu có này sẽ có khả năng nắm giữ tầm ảnh hưởng lớn trên các thị trường vốn toàn cầu cũng như trong nhiều ngành công nghiệp.
Trong tổng số gần 30.000 tỷ USD do tầng lớp UNHW kiểm soát, khoảng hơn 30% thuộc về các ông chủ Bắc Mỹ, hơn 25% nằm tại châu Âu và 23% ở châu Á. Nghiên cứu cũng cho biết 87% của giới siêu giàu là "cánh mày râu", có độ tuổi trung bình là 59 và khoảng 25% trong số đó hoạt động trong giới ngân hàng.
Trong đó, % là tự thân làm giàu, 13% thuộc diện thừa kế tài sản và phần còn lại là kết hợp của cả 2 nhóm trên. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của nhóm siêu giàu nữ giới là 57 và nhóm này tập trung nhiều trong ngành hoạt động xã hội và phi lợi nhuận (19%). Gần 50% của cải kếch sù của phái đẹp đến từ tài sản thừa kế và chỉ có gần 30% là đi lên bằng chính sức mình.
TTXVN/Tin tức