Một cô gái 26 tuổi có tên tài khỏa mạng xã hội “Tiểu Zhai Zhai” đã chia sẻ chi tiết nỗ lực nhằm hạn chế chi tiêu mỗi tháng ở mức chỉ 300 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng). Trong đó, cô cắt giảm chi phí bữa ăn hàng ngày xuống chỉ còn 10 nhân dân tệ (35.000 đồng).
Một số thanh niên Trung Quốc khác lại tìm kiếm “đối tác tiết kiệm” trên mạng xã hội. Các đối tác này hỗ trợ nhau bám sát mục tiêu. Biện pháp tiết kiệm bao gồm việc ăn uống tại căng tin cộng đồng dành cho người cao tuổi, nơi các món ăn tươi ngon có giá tương đối rẻ. Ban đầu, các căng tin này hướng tới phục vụ người già neo đơn, không thể tự nấu ăn. Tuy nhiên, để giảm chi phí vận hành, chủ những căng tin này quyết định chào đón khách hàng ở mọi lứa tuổi.
Lãnh đạo tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc - ông Shaun Rein cho biết: “Giới trẻ Trung Quốc có tâm lý tiết kiệm trả thù. Không giống như giới trẻ trong những năm 2010 thường tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được và vay tiền để mua những món đồ ưa thích như túi Gucci, điện thoại iPhone… giới trẻ Trung Quốc hiện nay bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn”.
Những dấu hiệu nhận biết khác cho thấy giới trẻ Trung Quốc đang thắt chặt hầu bao là các từ ngữ đang thịnh hành như “tiêu dùng đảo ngược” và “nền kinh tế keo kiệt”. “Tiêu dùng đảo ngược” đề cập đến việc cắt giảm chi tiêu, trong khi “nền kinh tế keo kiệt” bao hàm việc tích cực tìm kiếm các khoản giảm giá và ưu đãi khi mua sắm.
Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng trong giới trẻ thế giới, đặc biệt là Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Theo báo cáo Chỉ số Prosperity của Intuit, 73% Gen Z ở Mỹ khẳng định họ thà có chất lượng cuộc sống tốt hơn thay vì tăng thêm tiền trong ngân hàng.
Vậy lý do nào khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong chi tiêu?
Ông Christopher Beddor tại công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Người trẻ có thể cảm nhận được điều tương tự như những lứa tuổi khác: nền kinh tế đang hoạt động không tốt”. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tổng tiền gửi bằng nhân dân tệ của các hộ gia đình trong quý đầu tiên của năm 2024 đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025 là 4,5%. Các chuyên gia nhận định với CNBC rằng khó khăn bổ sung là thị trường việc làm không khả quan đối với giới trẻ.
Giáo sư dự bị Jia Miao tại Đại học New York Thượng Hải, cho biết: “Mọi người không muốn tiêu tiền là một hiện tượng có thật ở đây. Đối với một số thanh niên, đơn giản là họ không thể tìm được việc làm hoặc thấy rằng việc tăng thu nhập quá khó khăn. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu tiền”.