Theo kênh CNN, ECB lý giải động thái tăng lãi suất là vì với nền kinh tế hiện nay, lạm phát gây ra mối đe dọa tức thì lớn hơn là tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng.
ECB cho biết trong một tuyên bố: “Hội đồng quản trị đang theo dõi chặt chẽ tình trạng căng thẳng thị trường hiện tại và sẵn sàng ứng phó khi cần thiết để duy trì ổn định giá cả, ổn định tài chính trong khu vực đồng euro. Ngành ngân hàng khu vực đồng euro có khả năng phục hồi nhờ vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Trong mọi trường hợp, bộ công cụ chính sách của ECB được trang bị đầy đủ để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính khu vực đồng euro nếu cần và để duy trì thực hiện chính sách tiền tệ một cách suôn sẻ”.
Động thái này sẽ đưa lãi suất chuẩn ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro lên 3%. ECB đã tăng lãi suất trong 6 cuộc họp liên tiếp kể từ tháng 7/2022 (tổng cộng 3,5 điểm phần trăm) nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát.
ECB cho biết: “Dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài”.
Một số nhà phân tích đã kỳ vọng ECB sẽ lựa chọn mức tăng nhỏ hơn là 1/4 điểm phần trăm để giảm nguy cơ gây thêm căng thẳng cho thị trường.
Với quyết định tiếp tục tăng lãi suất, ECB đang cố gắng phản ứng với tình trạng lạm phát cao ở Khu vực Eurozone, vốn lên mức 8,5% trong tháng 2/2023 sau khi chạm mức 8,6% trong tháng trước đó. Mức lạm phát lõi, tức lạm phát không tính các biến động mạnh như giá năng lượng và lương thực, đã tăng từ 5,3% lên 5,6% - mức cao nhất trong lịch sử của liên minh tiền tệ châu Âu.
ECB cũng đã nâng dự báo tăng trưởng tại khu vực Eurozone trong năm 2023 lên 1%, nhờ giá năng lượng giảm và khả năng chống chịu mạnh mẽ hơn trong môi trường quốc tế đầy biến động. Trước đó, ECB dự báo mức tăng trưởng GDP của Eurozone năm 2023 là 0,5%. Thông báo của ECB cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 đạt 1,6%. Các mức dự báo này thấp hơn so với con số lần lượt là 1,9% và 1,8% trong dự báo trước đó.
Tuyên bố của ECB cũng khẳng định lĩnh vực ngân hàng trong Eurozone “có sức chống chịu tốt” trong bối cảnh những rối loạn trên thị trường sau vụ hai ngân hàng lớn của Mỹ liên tiếp đóng cửa.
Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng công liên bang Đức, bà Iris Bethge-Krauß, trong tình huống khó khăn hiện nay, ECB phải có động thái để chống lại tình trạng lạm phát kéo dài, giới hạn mặt bằng giá. Nhiều câu hỏi đã đặt ra về sự can dự của các cơ quan giám sát tiền tệ trong vài ngày qua sau vụ sụp đổ của SVB trong khi ngân hàng Credit Suisse cũng đang gặp khó khăn, phải đối mặt với những khoản lỗ lớn trên thị trường chứng khoán.
Câu hỏi đặt ra là liệu ngoài các hình thức hỗ trợ khác cho các ngân hàng, có cần phải từ bỏ tăng lãi suất trong khu vực đồng euro hay không. Tuy nhiên, nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ, tỷ lệ lạm phát thấp cũng không giúp được gì nhiều. Giáo sư kinh tế học Volker Wieland cho rằng ECB và Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" và cách tốt nhất là giải quyết các vấn đề của các ngân hàng một cách nhanh chóng và thuyết phục mà không mất quá nhiều sức vào mặt trận lạm phát. Chủ tịch Viện Ifo của Đức, ông Clemens Fuest, trước đó cũng đã lên tiếng ủng hộ việc ECB kiên trì với việc tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm như đã công bố.
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng đã bị bán tháo mạnh vào ngày 15/3 khi có những lo ngại về khả năng phục hồi của ngành này sau khi vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon lan rộng ra ngoài Mỹ.
Tình trạng bán tháo đã kéo cổ phiếu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse xuống mức thấp kỷ lục mới. Tình trạng này và giá trị cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh tới mức có những thời điểm cơ quan điều hành thị trường chứng khoán phải tạm dừng giao dịch mã cổ phiếu này.
Chỉ số các chứng khoán ngành ngân hàng châu Âu cũng giảm 5% trong phiên giao dịch sáng 15/3, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/1. Tính từ ngày 8/3, chỉ số này đã giảm 13% giá trị, đánh dấu mức giảm theo tuần cao nhất kể từ tháng 2/2022.
Ông Carlo Franchini, trưởng nhóm phân tích khách hàng doanh nghiệp tại Banca Infigest Milan, cho rằng các thị trường đang hỗn loạn sau những vấn đề phát sinh với các ngân hàng Mỹ, giờ đến các ngân hàng châu Âu và đầu tiên trong số này là Credit Suisse. Điều này kéo toàn bộ lĩnh vực ngân hàng châu Âu "chìm xuồng" theo. Các mã chứng khoán ngân hàng ngày càng mất giá trị sau thông tin liên quan Credit Suisse. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích này tin tưởng cuộc khủng hoảng liên quan ngân hàng Thụy Sĩ sẽ được giải quyết và ngân hàng sẽ không đến mức phá sản.