Tên lửa đạn đạo của Quân đội Nhân dân Triều Tiên trong lễ diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ảnh: Getty |
Theo Independent, ông Bill Richardson từng có nhiều năm đàm phán với Triều Tiên Bill Richardson. Phát biểu trong chương trình Today của BBC Radio 4, ông Bill Richardson cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nên làm hiện nay là đưa ra một gói hỗ trợ năng lượng và nhân đạo cho Triều Tiên, đồng thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.
Ông Bill Richardson cũng kêu gọi một gói thỏa thuận đa phương hỗ trợ Triều Tiên có sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, để đổi lấy thỏa thuận tạm ngừng phát triển chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hối thúc các cuộc hòa đàm thay vì hành động quân sự, ông Richardson nhận định Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Theo ông Richardson, Trung Quốc từng phủ quyết các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và tuyên bố sẽ gây áp lực với Triều Tiên song không thực hiện. Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây dường như đang thay đổi cách tiếp cận.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ cam kết của ông Trump không coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, hoặc Trung Quốc nhận ra sự bất ổn ở bán đảo Triều Tiên không nằm trong lợi ích của nước này.
“Tôi tin Trung Quốc đang đi theo hướng gây áp lực với Triều Tiên nhiều hơn họ từng làm trong quá khứ. Và điều đó có thể tạo ra một sự khác biệt nhỏ”.
Ngày 16/4, Triều Tiên tỏ rõ thái độ thách thức trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng các hoạt động phát triển hạt nhân bằng việc thử một quả tên lửa dù nó đã
phát nổ chỉ vài giây sau khi được phóng lên.
Mỹ trong khi đó đang đẩy mạnh triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra cảnh báo “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết hành động quân sự là “một phương án”, một quan chức giấu tên tiết lộ với Bloomberg rằng Tổng thống Trump đã chuẩn bị tinh thần để xem xét có hành động quân sự mặc dù việc Trung Quốc dẫn đầu nỗ lực đàm phán là lựa chọn được ủng hộ hơn.