Campuchia là một trong những điểm đến hàng đầu dành cho những du khách trẻ. Những năm trở lại đây, hình thức du lịch trại mồ côi trở nên phổ biến đã thúc đẩy nhiều khách tham quan đăng ký tham gia các chương trình tình nguyện thông qua các công ty toàn cầu.
Tuy nhiên, những nhà hảo tâm không hề biết rằng lòng tốt của mình đã bị lợi dụng. Rất nhiều trẻ em ở Campuchia vẫn còn cha mẹ nhưng đã bị ép buộc rời khỏi gia đình và đưa đến các trại mồ côi.
Theo hãng tin Al Jazeera (Qatar), các báo cáo về việc bỏ mặc, không cung cấp điều kiện sống đảm bảo cho trẻ cũng như vấn nạn nhiều nhân viên quản lý trại mồ côi tham ô tiền của các nhà tài trợ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Các công ty tổ chức tình nguyện cũng bị buộc tội lợi dụng khách du lịch và trẻ em để kiếm lợi nhuận.
Trong một cuộc điều tra vào năm 2012, phóng viên Juliana Ruhfus đã có cơ hội đến Phnom Penh trò chuyện cùng các em nhỏ, tình nguyện viên và nhân viên tại các trại trẻ mồ côi để hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ tại đây.
Bảy năm sau, Ruhfus đã phản ánh lại những câu chuyện đáng buồn mà cô phát hiện trong những trại trẻ mồ côi “ma” ở đó. “Phần lớn trẻ em ở tại nơi được gọi là ‘trại trẻ mồ côi’ này thực sự có cha mẹ. Có nhiều người đã đi khắp nơi để ‘tuyển dụng’ những đứa trẻ này đến đây. Họ nói với cha mẹ của chúng rằng những đứa trẻ sẽ được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời, chúng có thể giao tiếp với nhiều người phương Tây. Khi được cha mẹ đồng ý, những đứa trẻ sẽ được đưa đến trại trẻ mồ côi và biến thành những cỗ máy kiếm tiền”, cô chia sẻ.
Ruhfus cũng cho biết có rất nhiều đứa trẻ phải lớn lên xa gia đình, sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm, chúng chỉ được chăm sóc bởi tình nguyện viên nên nhiều em đã gặp phải chấn thương tâm lý nghiêm trọng.
Ruhfus đã đóng giả làm một tình nguyện viên. Cô đề nghị đưa bọn trẻ đi chơi trong vòng 1 ngày. Thật bất ngờ khi yêu cầu của cô được chấp thuận dễ dàng, không có bất kỳ quy trình kiểm tra nào, cô và nhóm phóng viên được phép chọn bất kỳ đứa trẻ nào mà họ muốn để đi cùng. Chỉ duy nhất Ruhfus được cử 1 nhân viên xã hội đi kèm để bảo vệ cô và bọn trẻ, cô đã rất sốc bởi sự giám sát lỏng lẻo của trại trẻ mồ côi này.
“Thật lạ thường bởi Campuchia là một quốc gia được biết đến có rất nhiều vấn nạn lạm dụng trẻ em, đặc biệt là nạn ấu dâm. Chúng tôi đưa những đứa trẻ này ra ngoài mà không hề có sự giám sát nào. Trước đó, tôi đã nghĩ rằng liệu chúng tôi có thể đưa bọn trẻ ra ngoài không? Chúng tôi đã dễ dàng đưa chúng ra ngoài và có thể làm bất cứ điều gì với những đứa trẻ này”, cô Ruhfus nói.
Trong xã hội ngày nay, nhận thức của con người đối với quyền của trẻ em ngày càng phát triển. Tại Australia, việc buôn bán trẻ em vào trại trẻ mồ côi được coi là hành vi bất hợp pháp, họ coi đó là một hình thức nô lệ hiện đại. Theo số liệu của Liên hợp quốc, các trại trẻ mồ côi ở Campuchia đang mọc lên như nấm được coi là một điểm nóng ở khu vực Đông Nam Á.
Để giải quyết vấn nạn này, chính quyền đã đóng cửa một số trại mồ côi “ma” đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc để dẹp các trại trẻ mồ côi hoạt động theo hình thức này. Bên cạnh đó, họ cũng tìm cách đưa trẻ em quay về đoàn tụ với gia đình nếu có thể. Một số công ty điều hành các chương trình tình nguyện cũng đã quyết định cấm đưa những nhà hoạt động không qua đào tạo vào các trại trẻ mồ côi.