Gói cứu trợ 56 tỷ USD ứng phó dịch COVID-19 của Canada vượt qua 'ải' Thượng viện

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 25/3, Thượng viện Canada đã thông qua gói cứu trợ trị giá 82 tỷ CAD (56 tỷ USD), do chính phủ của đảng Tự do đề xuất để ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
Người dân mua nhu yếu phẩm tại một cửa hàng ở Vancouver, Canada trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh tại nước này, ngày 14/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trước Thượng viện, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đã đánh giá đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, đồng thời nhấn mạnh chính phủ cần có đủ năng lực để bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như nền kinh tế. Mục đích của gói kích thích kinh tế này là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và các doanh nghiệp Canada, hỗ trợ nhu cầu thanh khoản của các doanh nghiệp và hộ gia đình, giúp bình ổn nền kinh tế. Gói kích thích kinh tế quy mô lớn này sẽ bao gồm việc bơm tiền mặt cho các doanh nghiệp để người lao động vẫn được trả lương ngay cả khi phải ở nhà do dịch bệnh, tăng các khoản phúc lợi của liên bang và mở rộng chương trình bảo hiểm việc làm. Ottawa cũng tăng Trợ cấp trẻ em Canada, trong bối cảnh các phụ huynh phải đối mặt với tình trạng các trường học đóng cửa. Chính phủ cũng sẽ tăng mức hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, những người vô gia cư,… và lập riêng một quỹ trị giá 305 triệu CAD (214 triệu USD) để giúp cộng đồng thổ dân.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo những lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 sẽ được chính phủ hỗ trợ 2.000 CAD/tháng (khoảng 1.400 USD)/tháng trong 4 tháng tới, để giúp trang trải chi phí thuê nhà và sinh hoạt hằng ngày. Ông cũng thừa nhận tình trạng bất ổn mà Canada đang phải đối mặt và cho biết chính phủ đã gộp chương trình Phúc lợi Chăm sóc khẩn cấp trị giá 10 tỷ CAD (7 tỷ USD) và chương trình Phúc lợi Hỗ trợ khẩn cấp trị giá 5 tỷ CAD (3,5 tỷ USD) thành một chương trình có tên là Phúc lợi Ứng phó khẩn cấp của Canada (CERB). Biện pháp hỗ trợ người lao động trên nằm trong khuôn khổ của CERB, dành cho những người Canada bị mất thu nhập do dịch COVID-19, những người bị mất việc nhưng không đủ tiêu chuẩn để hưởng bảo hiểm việc làm.  

Cùng ngày, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland đã yêu cầu người dân từ nước ngoài trở về phải tự cách ly trong 14 ngày. Lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11h giờ ngày 26/3 (giờ Việt Nam). 

Đầu tháng này, nhà chức trách Canada cũng đã đề nghị người dân tự cách ly khi về nước nhưng không bắt buộc. Theo luật liên bang, vốn đã được siết chặt vào năm 2005 sau cuộc khủng hoảng Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS), những ai vi phạm lệnh cách ly sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 1 triệu CAD (tương đương 700.000 USD) hoặc 3 năm tù.

Tại thủ đô Ottawa, Thị trưởng thành phố Jim Watson đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại thành phố này.

Trong tuyên bố, thị trưởng Watson nêu rõ việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền có thể triển khai các hoạt động khẩn cấp nhanh hơn, đặt mua thiết bị y tế dễ dàng hơn. Ông cho biết biện pháp này nhằm đảm bảo nhà chức trách có đủ công cụ để bảo vệ các nhân viên y tế và người dân.
Cũng trong ngày 25/3, Boliva đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế và gia hạn lệnh  đóng cửa biên giới.
Tổng thống tạm quyền Bolivia Jeanine Anez tuyên bố việc đóng của biên giới sẽ kéo dài tới ngày 15/4 thay vì ngày 31/3 như trước. Tổng thống cũng nhấn mạnh không người dân nào sẽ được phép ra vào Bolivia trong thời gian này.

Bên cạnh đó, trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 14 ngày, Bolivia cũng siết chặt việc hạn chế đi lại, khi chỉ cho phép mỗi gia đình có 1 người ra ngoài từ 7h sáng cho đến trưa hàng ngày. 

Theo số liệu của chính phủ, tính đến thời điểm này, Bolivia đã ghi nhận ca mắc COVID-19.
Tại Chile, chính phủ thông báo sẽ tiến hành cách ly đối với nhiều khu vực rộng lớn của thủ đô Santiago, sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã vượt qua 1.000 ca kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát vào đầu tháng 3

Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich nêu rõ lệnh cấm di chuyển hoàn toàn sẽ bắt đầu từ tối 26/3 và kéo dài trong 7 ngày. Biện pháp này áp dụng với 1,3 triệu người đang sống chủ yếu tại khu vực giàu có ở phía Đông thành phố Santiago, nơi virus gây bệnh xuất hiện lần đầu tiên trong số những người trở về từ châu Âu. Bộ trưởng Manalich cho hay nhà chức trách sẽ thiết lập rào chắn xung quanh thành phố để ngăn sự lây lan của virus.

Tính đến ngày 25/3, Chile đã ghi nhận tổng cộng 1.142 ca nhiễm và 3 ca tử vong do COVID-19.

Hương Giang - Đặng Ánh (TTXVN)
Hạ viện Canada bất đồng về gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp
Hạ viện Canada bất đồng về gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp

Gói kích thích kinh tế trị giá 82 tỷ CAD (trên 56 tỷ USD), được Chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau “thiết kế” để ứng phó với dịch COVID-19, đang vấp phải rào cản tại Hạ viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN