Theo bà Von der Leyen, loạt hạn chế mới sẽ bao gồm các lệnh cấm xuất nhập khẩu bổ sung và các hành động nhằm thắt chặt giá trần đối với dầu của Nga. Nữ lãnh đạo cho biết khối này cũng đang có kế hoạch đưa ra các biện pháp cứng rắn mới đối với các công ty của nước thứ ba nhằm vá “lỗ hổng” trong các biện pháp trừng phạt hiện có nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ngoài ra, gói này sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với 100 cá nhân Nga.
“Trong một thời gian dài, nhiều người ở châu Âu đã nghĩ rằng chúng tôi có thể đối phó với Nga và đưa nước này vào khuôn khổ trật tự an ninh của châu Âu. Nhưng các biện pháp đã không hiệu quả”, bà von der Leyen cam kết Brussels sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa nhằm vào Nga cho đến khi xung đột chấm dứt và Ukraine thiết lập một nền hòa bình công bằng, lâu dài.
Trước đó, các phương tiện truyền thông cũng liệt kê các biện pháp nhằm vào ngành công nghiệp hạt nhân và kim cương của Nga cũng như hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này, quy định cho phép sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine như những biện pháp bổ sung tiềm năng cho gói trừng phạt mới. Tuy nhiên, nữ lãnh đạo von der Leyen không đề cập đến bất kỳ biện pháp nào trong số này trong bài phát biểu của mình.
Về phần mình, Nga tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này là bất hợp pháp và cảnh báo chúng gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với các quốc gia áp đặt chúng hơn là so với Moskva.
Cũng theo các phương tiện truyền thông, các nước thành viên EU ngày càng khó tìm được tiếng nói chung về các quy địnhhạn chế mới, do nhiều người phản đối một số biện pháp và cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại không có tác dụng.
Hồi tháng trước, Hungary tuyên bố họ sẽ phủ quyết mọi lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực hạt nhân của Nga. “Chính sách trừng phạt đơn giản là không có tác dụng. Các lệnh trừng phạt có thể gây hại cho Nga nhưng chúng chắc chắn gây ra tác hại lớn hơn cho nền kinh tế châu Âu, cho các nước châu Âu. Nếu các biện pháp trừng phạt gây ra nhiều tổn hại cho những người áp đặt hơn là những người chịu lệnh, thì việc tiếp tục áp dụng chúng có ý nghĩa gì?”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti vào đầu tháng 10.