Hồi tháng 3 vừa qua, công ty cung cấp dịch vụ xe đi chung Grab có trụ sở tại Singapore đã mua lại thị phần của đối thủ Uber đến từ Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đổi lại Uber nhận được 27,5% cổ phần tại Grab.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đưa hai hãng xe đi chung lớn nhất tại khu vực vào "tầm ngắm" của giới chức nhiều quốc gia, trong đó có Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore.
Ủy ban này vừa mới công bố kết luận điều tra cho thấy thỏa thuận hoán đổi thị phần - cổ phần của Grab và Uber đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xe đi chung ở Singapore. Theo đó, giá cước của Grab đã tăng từ 10 tới 15% sau thỏa thuận này.
Những đối thủ cạnh tranh của Grab cũng gặp nhiều trở ngại từ những thỏa thuận riêng của Grab với các hãng taxi, các đối tác cho thuê xe hay với một số lái xe qua đó không cho phép các lái xe tiếp cận với những dịch vụ xe đi chung khác.
Ủy ban này đã quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu SGD (9,5 triệu USD), trong đó Grab chịu 6,42 triệu SGD còn Uber chịu 6,58 triệu SGD. Ngoài khoản phạt, Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore cũng yêu cầu Grab thực hiện một số biện pháp nhằm giảm giá cước và tạo cơ hội cạnh tranh cho các đối thủ khác, trong đó bao gồm khôi phục lại mức giá trước khi sáp nhập và cho phép lái xe của hãng sử dụng những nền tảng chia sẻ xe khác.
Đại diện Grab tại Singapore khẳng định công ty đã hoàn tất thỏa thuận với Uber trong khuôn khổ các quyền lợi hợp pháp và không vi phạm luật cạnh tranh.
Tại Philippines, hồi tháng trước, giới chức nước này đã thông qua thương vụ sáp nhập nhưng đưa ra các điều kiện về giá và các thỏa thuận liên quan nhằm ngăn chặn Grab hoạt động độc quyền. Giới chức Malaysia cũng đang xem xét thỏa thuận.