Chính phủ Đức muốn giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt. Do đó đã thông qua đạo luật mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường ống cũng như các trạm LNG nổi và trên đất liền, đồng thời cam kết chi tổng cộng 2,94 tỷ euro (hơn 3 tỷ USD) để xây dựng 4 trạm LNG nổi.
Nghiên cứu do công ty tư vấn EnergyComment của Đức thực hiện cho Greenpeace, cho thấy chỉ cần một vài trạm LNG nổi là đủ đảm bảo nguồn cung khí đốt ngay cả trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt đứt. Kế hoạch xây dựng quá nhiều trạm LNG với những thoả thuận mua bán cho đến năm 2024 sẽ khiến năng lực nhập khẩu vượt xa so với nguồn cung và sẽ dẫn đến sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt gây tác hại cho khí hậu.
Theo người phát ngôn của Greenpeace Manfred Santen, các kế hoạch này sẽ đưa Đức trở thành một trong những nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Trong khi đó, kế hoạch mở rộng các trạm LNG của Đức cũng mâu thuẫn với các mục tiêu khí hậu mà Berlin và Brussels đã cam kết. Theo ông Santen, thay vì tạo ra nhiều công trình gây hại hơn cho khí hậu, cần phải tiết kiệm khí đốt, thúc đẩy việc lắp đặt các bơm nhiệt và làm cách nhiệt đối với các tòa nhà, đồng thời tập trung vào chính sách mới về điểm xây dựng các nhà máy.
Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức Klaus Müller ngày 25/7 bày tỏ hài lòng về mức lấp đầy các cơ sở tích trữ khí đốt hiện nay. Mức lấp đầy tính đến ngày 23/7 là 65,91% và sẽ hướng đến mức lấp đầy 75% vào ngày 1/9. Tuy nhiên, theo ông Müller, mục tiêu đạt mức lấp đầy 90% hoặc 95% vào ngày 1/11 là không thực tế, bởi với công suất vận chuyển khí đốt 40% qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 như hiện tại, thì mức lấp đầy tối đa có thể đạt được chỉ là 80 đến 85%.
Trong diễn biến mới nhất, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo từ ngày 27/7 sẽ tiếp tục giảm công suất vận chuyển qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 xuống còn 20% do "phải sửa chữa một tua bin khí khác". Điều này chắc chắn sẽ tác động tới tiến trình lấp đầy các cơ sở tích trữ khí của Đức.