Trả lời phỏng vấn của báo giới qua video, Greta Thunberg kêu gọi các nhà lãnh đạo EU hành động "nhiều nhất có thể" tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tuần này để triển khai các cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015.
Lời kêu gọi của nữ sinh Thunberg được đưa ra trong bối cảnh cuối năm nay các quốc gia thành viên EU sẽ phải nêu ý kiến và thống nhất mức giảm khí thải nhà kính mục tiêu tới năm 2030.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất EU đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải so với mức ghi nhận năm 1990, tăng so với mức mục tiêu 40% trong các kế hoạch trước đó. Mục tiêu cuối cùng theo thời gian biểu của EC là đưa lượng khí thải về mức 0 vào năm 2050. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết thông qua mục tiêu tham vọng hơn, với mức cắt giảm ít nhất 60%.
Hiện đề xuất của EC đã nhận được sự ủng hộ của 11 quốc gia thành viên EU, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, trong khi nhiều quốc gia ở sườn phía Đông của EU như Ba Lan lại bày tỏ phản đối.
Dù vậy, các tổ chức hoạt động vì khí hậu cảnh báo mức cắt giảm 55% hoặc thậm chí 60% lượng khí thải nhà kính của EU sẽ không đủ để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo mục tiêu của Hiệp định Paris.
Liên quan tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại EU, cùng ngày 14/10, Chính phủ Áo công bố dự thảo ngân sách năm 2021, trong đó dành 17 tỷ euro (20 tỷ USD) để "xanh hóa" mạng lưới giao thông đường sắt. Theo Bộ trưởng Môi trường Áo Leonore Gewessler, đây là gói chi tiêu dành cho lĩnh vực đường sắt lớn nhất từ trước đến nay ở nước này.
Chính phủ Áo đặt mục tiêu đến năm 2035 trung hòa khí thải đối với mạng lưới đường sắt thông qua điện khí hóa các tuyến đường sắt. Chi tiêu cho các dự án liên quan đến khí hậu và môi trường dự kiến tăng khoảng 1 tỷ euro trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, nước này cũng dự kiến dành thêm 95 triệu euro để thúc đẩy dự án nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường.
Áo tăng chi tiêu cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu bất chấp nền kinh tế nước này đang chịu tác động lớn của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến thâm hụt ngân sách tăng lên mức cao kỷ lục.