Chính phủ Gruzia cho biết họ sẽ hồi sinh dự án cảng nước sâu trị giá hàng tỷ USD tại Anaklia, bên bờ Biển Đen, khi nước này nhận thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng mạnh trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine. Quyết định này được đưa ra gần 3 năm sau khi Tbilisi rút khỏi dự án Anaklia do tranh cãi chính trị và lo ngại về rủi ro kinh tế.
Hôm 12/12, Thủ tướng Irakli Garibashvili thông báo rằng, nhà nước sẽ sở hữu cổ phần kiểm soát tại cảng mới. “Cảng Anaklia sẽ được xây dựng với sự đồng tham gia của nhà nước, trong đó nhà nước sẽ sở hữu 51% [cổ phần], chúng tôi sẽ thông báo kêu gọi quốc tế cho phần còn lại và chọn các công ty đối tác”, ông Garibashvili cho biết trong phiên họp chính phủ .
Dự án xây dựng cảng biển nước sâu đầu tiên của Gruzia đã bắt đầu ở làng Anaklia nằm gần ranh giới thực tế với khu vực ly khai Abkhazia vào năm 2017. Những người ủng hộ hứa hẹn dự án sẽ tăng đáng kể năng lực xử lý hàng hóa của đất nước và nâng cao vị thế của Gruzia như một trung tâm trung chuyển giữa châu Âu và châu Á. Trước đây chính phủ đã sẵn sàng đầu tư 100 triệu USD, nhưng quyền kiểm soát do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ.
Tuy nhiên, chính phủ Gruzia đã hủy hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với nhà thầu chính Anaklia Development Consortium (ADC) vào đầu năm 2020, cáo buộc rằng họ đã không thu hút đủ đầu tư trong khi lại đặt ra những yêu cầu nặng nề và phi thực tế đối với nhà nước trong việc bảo lãnh các khoản vay khổng lồ từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Bê bối chính trị vào thời điểm đó cũng cản trở dự án. Tập đoàn ADC và người sáng lập, chủ ngân hàng chuyển sang chính trị gia đối lập Mamuka Khazaradze vào năm 2019 đã cáo buộc chính phủ do Đảng Giấc mơ Gruzia lãnh đạo đang phá hoại dự án, gồm cả việc đưa ra cáo buộc rửa tiền chống lại ông này.
Năm đó ông Khazaradze thành lập đảng đối lập “Lelo for Georgia”, chỉ vài tháng trước khi chính phủ chính thức hủy bỏ hợp đồng. (Và đầu năm nay, một tòa án ở Gruzia ra phán quyết Khazaradze và một đối tác kinh doanh phạm tội lừa đảo, nhưng trả tự do cho họ, với tuyên bố thời hiệu đã hết.)
Nhiều nhà phê bình cũng cho rằng dự án thất bại là do Tbilisi e ngại Nga. Lập luận này xoay quanh quan niệm cho rằng Moskva sẽ không hoan nghênh sự cạnh tranh ở nơi mà họ coi là sân sau của mình.
Mặc dù chính phủ Gruzia vẫn tuyên bố muốn tìm một đối tác mới và tiếp tục dự án, nhưng dự án cảng Anaklia bị coi như đã chết giữa những thông điệp trái chiều từ các quan chức, trong đó có phe đưa ra ý tưởng mở rộng cảng Poti hiện tại.
Sự quan tâm của các nhà chức trách Gruzia đã quay trở lại dự án Anaklia trong năm nay khi nhu cầu trung chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Gruzia tăng đột biến do cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều chủ hàng đã chuyển hướng vận chuyển hàng hóa xuyên Á - Âu trước đây đi qua Nga về phía Nam, đến cái gọi là Hành lang Trung tâm, đi qua Kazakhstan, Azerbaijan và Gruzia.
Khi Gruzia đứng trước tình trạng gia tăng lưu lượng giao thông, dòng xe tải bắt đầu xếp hàng ở biên giới, các chuyên gia cảnh báo rằng nước này rất cần một cảng biển nước sâu để tận dụng cơ hội.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Gruzia hy vọng hoạt động thi công dự án Anaklia có thể nối lại vào đầu năm tới.
“Trong năm qua, công việc vẫn đang diễn ra, các cuộc họp đã được tổ chức với các nhà đầu tư tiềm năng, chủ yếu là với các công ty khai thác cảng và hậu cần, những công ty có thể tham gia vào quá trình thực hiện dự án cùng với nhà nước”, Bộ trưởng Kinh tế Levan Davitashvili nói với các phóng viên sau cuộc họp chính phủ ngày 12/12.
Ông Davitashvili cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng sẽ hoàn thành quá trình lựa chọn (nhà đầu tư) vào tháng 1 năm sau theo quy định của pháp luật để đến năm 2023, chúng tôi có thể bắt đầu ngay các công trình xây dựng và phát triển cảng”.
Tuy vậy, dự án Anaklia vẫn đối mặt với trở ngại là Chính phủ Gruzia đối mặt với hai tranh chấp trọng tài tồn tại từ các nhà đầu tư trước, bao gồm cả tập đoàn Anaklia Development Consortium, bên đang đòi bồi thường 1,62 tỷ USD. Nhưng Bộ trưởng Davitashvili cho biết các tranh chấp nhắm vào nhà nước và không liên quan đến bản thân dự án, đồng thời khẳng định kết quả tranh chấp sẽ không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong tương lai.
Nhưng trong một tuyên bố được đưa ra sau thông báo của Thủ tướng Garibashvili, tập đoàn ADC đã bác bỏ ý tưởng về việc chính phủ tìm kiếm một “nhà đầu tư nghiêm túc”, gọi đây là quyết định “lố bịch”. “Không có nhà đầu tư nghiêm túc nào và không có tổ chức tài chính quốc tế nào sẽ tham gia hoặc cho vay vào một dự án lớn như dự án này nếu nó được kiểm soát đa số bởi nhà nước Gruzia”, ADC cho biết .