Theo AFP ngày 27/10, cuộc bầu cử quốc hội tại Gruzia vào cuối tuần qua đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị mới, khi phe đối lập cáo buộc đảng cầm quyền "gian lận kết quả bầu cử". Cuộc bỏ phiếu này được coi là phép thử quan trọng về nền dân chủ của quốc gia vùng Kavkaz và có thể ảnh hưởng đến cơ hội gia nhập EU của nước này.
Công bố từ Ủy ban Bầu cử Trung ương Gruzia cho thấy, với hơn 99% phiếu bầu được kiểm đếm, đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia đã giành chiến thắng với 54,08% số phiếu. Trong khi đó, liên minh bốn đảng đối lập thân phương Tây chỉ đạt 37,58%.
Kết quả này mang lại cho đảng Giấc mơ Gruzia 91 ghế trong quốc hội 150 thành viên. Số ghế này đủ để họ điều hành chính phủ nhưng không đạt đa số tuyệt đối để thông qua các lệnh cấm theo hiến pháp đối với các đảng đối lập.
Thủ tướng Irakli Kobakhidze tuyên bố đây là "chiến thắng ấn tượng" và cáo buộc phe đối lập "phá hoại trật tự hiến pháp của đất nước". Tuy nhiên, điều đáng chú ý là kết quả trên hoàn toàn trái ngược với dự đoán của công ty thăm dò ý kiến Mỹ Edison Research.
Phe đối lập đã ngay lập tức phản đối kết quả bầu cử. Tina Bokuchava, lãnh đạo Phong trào Thống nhất Quốc gia (UNM), tuyên bố kết quả bầu cử đã bị "làm giả" và đây là "nỗ lực đánh cắp tương lai của Gruzia". Trong khi đó, Nika Gvaramia, lãnh đạo đảng tự do Akhali, gọi đây là "cuộc đảo chính hiến pháp".
Theo nhà phân tích Gela Vasadze từ Trung tâm Phân tích Chiến lược Gruzia, quốc gia này đang "lao vào tình trạng bất ổn chính trị không xác định thời hạn" và hy vọng gia nhập EU đang "mờ nhạt". Ông cũng nhận định rằng phe đối lập thiếu những nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn để chuyển hóa sự bất mãn của người dân thành làn sóng phản đối hiệu quả.
Đảng Giấc mơ Gruzia, nắm quyền từ năm 2012, đã từng theo đuổi chính sách thân phương Tây nhưng lại thay đổi hướng đi trong hai năm qua. Họ đã thông qua luật "ảnh hưởng nước ngoài" gây tranh cãi, khiến Brussels phải đóng băng tiến trình gia nhập EU của Gruzia và Mỹ áp đặt trừng phạt với nhiều quan chức nước này.