Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim phát biểu tại Bắc Nicosia, CH Cyprus ngày 9/3. Ảnh:EPA/TTXVN |
Phát biểu tại một buổi lễ ở thủ đô Istanbul, Tổng thống Erdogan cảnh báo: "Họ (Hà Lan) sẽ học được ngoại giao là gì”, đồng thời khẳng định những gì xảy ra “không thể không có hồi đáp”. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng mọi việc có thể đi xa đến mức nước này sẽ đóng cửa Lãnh sự quán tại Rotterdam.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp chống Hà Lan cho đến khi Amsterdam xin lỗi về vụ tranh cãi ngoại giao này. Phát biểu trước báo giới trước khi tới thành phố Metz, Đông Bắc nước Pháp, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ xem liệu các quốc gia châu Âu có lên tiếng chỉ trích "hành động phát xít" của Hà Lan hay không.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với Hà Lan rằng nước này sẽ đáp trả bằng "những phương thức mạnh tay nhất" sau khi các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm phát biểu tại Rotterdam trong vụ tranh cãi liên quan tới tới chiến dịch vận động kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân về dự luật sửa đổi Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra vào ngày 16/4 tới, giúp tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.
Cùng ngày 12/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông sẽ làm mọi thứ nhằm "xoa dịu" vụ tranh cãi ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ mà ông mô tả là tồi tệ nhất Amsterdam phải trải qua trong nhiều năm qua.
Ông Rutte cho biết: "Tôi chưa từng trải qua điều này, song chúng tôi muốn là một bên thận trọng hơn. Nếu họ (Thổ Nhĩ Kỳ) leo thang căng thẳng thì chúng tôi phải đáp trả, song chúng tôi sẽ làm mọi điều trong quyền hạn của mình để xoa dịu căng thẳng". Ông tuyên bố sẽ tìm cách, nhưng “không phải bằng việc đưa ra lời xin lỗi”.