Tuy nhiên, điều kiện mà Amsterdam đưa ra là các nước châu Âu khác cũng phải có những hành động tiếp nhận tương tự. Trong số những người di cư nói trên có nhiều trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng và 4 phụ nữ đến từ Nigeria, Libya và Cote d'Ivoire.
Cùng ngày, hải quân Malta cũng tuyên bố rằng các nhà chức trách nước này sẽ cho phép hai tàu thuộc tổ chức phi chính phủ của Đức là Sea-Watch 3 và Sea-Eye (với 17 người di cư) - được đi vào vùng biển nước này và "tạm trú" tại đây do điều kiện hạ tầng trên tàu không đủ đáp ứng nhu cầu của lượng lớn người di cư.
Ban đầu, Hà Lan cùng với Italy, Malta và Tây Ban Nha đã từ chối tiếp nhận 32 người di cư được Sea-Watch 3 cứu từ ngày 22/12 vừa qua. Tàu này do một tổ chức nhân đạo của Đức quản lý. Một tuần sau đó, người phát ngôn Chính phủ Đức cũng tỏ rõ quan điểm rằng Berlin sẽ chỉ tiếp nhận một số người di cư nếu các nước châu Âu khác cũng có thiện chí như vậy.
Trong khi đó, chỉ trong hai ngày đầu năm mới 2019, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha đã cứu được 401 người di cư trên Địa Trung Hải. Trước đó ít ngày, tàu cứu hộ của một tổ chức từ thiện đã đưa 311 người di cư chủ yếu là người châu Phi từ ngoài khơi bờ biển Libya đến Tây Ban Nha, kết thúc một hành trình đầy kinh hoàng của họ.
Với việc Italy đóng cửa lãnh hải, từ chối tiếp nhận người di cư kể từ tháng 6 năm ngoái, Tây Ban Nha trở thành điểm đến hàng đầu để vào châu Âu bằng đường biển của các người dân các nước có xung đột ở Trung Đông - Bắc Phi.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), trong năm ngoái, đã có trên 56.000 người di cư đến Tây Ban Nha bằng đường biển và 769 người đã thiệt mạng trong hành trình này. Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn Tây Ban Nha cho biết đây là số người di cư đến nước này thiệt mạng trên biển cao nhất kể từ năm 2006.
Cũng theo IOM, năm 2018 đã có hơn 1.300 người di cư thiệt mạng khi tìm cách vượt Địa Trung Hải đến Italy và Malta.