Theo quyết định của Chính phủ của Thủ tướng Paolo Gentiloni được đưa ra hồi tháng 12/2016, nhà nước sẽ dành khoản ngân sách 20 tỷ euro để cải tổ lại ngành ngân hàng. Khoản ngân sách này sẽ được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán khẩn cấp cũng như tái cấp vốn cho các ngân hàng đang gặp khó khăn, phù hợp với các quy định cứu trợ của nhà nước. Các ngân hàng đang gặp rắc rối ở Italy giờ đây có thể đề nghị được tái cấp vốn để giải quyết tình trạng nợ xấu của mình.
Chi nhánh của BMPS ở Rome ngày 9/2. Ảnh:AFP/TTXVN |
Banca Monte dei Paschi di Siena (BMPS) là ngân hàng đầu tiên ở Italy đang tìm kiếm các khoản cứu trợ của nhà nước theo chương trình nói trên sau khi không huy động được nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư. Trước đó, Chính phủ Italy dự kiến sẽ cung cấp khoản cứu trợ 6,5 tỷ euro cho BMPS sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết BMPS cần một khoản vốn mới lên tới 8,8 tỷ euro, nhiều hơn so với mức ước tính 5 tỷ euro trước đó của ngân hàng này.
Các ngân hàng Italy đang phải vật lộn với khoản nợ xấu khổng lồ lên tới 360 tỷ euro. Tình trạng nợ xấu này đã khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng ở Italy bị sụt giảm, đồng thời làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư. BMPS, ngân hàng lâu đời nhất thế giới và lớn thứ ba ở Italy, hôm 9/2 đã công bố khoản lỗ ròng 3, tỷ euro trong năm 2016, cao hơn nhiều so với mức lỗ ước tính khoảng 2 tỷ euro trước đó của các nhà phân tích. Chính phủ Italy đang cân nhắc khả năng tiến hành quốc hữu hóa BMPS và đây sẽ được coi là vụ quốc hữu hóa lớn nhất ở Italy kể từ những năm 1930.
Tiếp đó, chính phủ cũng có thể tiếp tục xem xét giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn khác, trong đó có ngân hàng Veneto Banca SpA và Banca Popolare di Vicenza. Tuy nhiên, chương trình cứu trợ của Italy đối với khu vực ngân hàng nước này vẫn cần phải được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua và việc này có thể phải đến tháng 5/2017 mới diễn ra.