Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện này chỉ mang tính chất tượng trưng, vì Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết bác bỏ quyết định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với tỷ lệ áp đảo - 362 phiếu ủng hộ duy trì trừng phạt và 53 phiếu chống, Hạ viện Mỹ được cho là đã gửi một thông điệp mạnh mẽ không đồng tình với chính quyền của Tổng thống Donald Trump về vấn đề Nga.
Trước đó, hồi tháng 12/2018, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ trừng phạt đối với Tập đoàn sản xuất nhôm Rusal của Nga, Tập đoàn EN+ nắm giữ gần 50% cổ phần của Rusal và công ty điện lực Nga JSC EuroSibEnergo. Bộ này khẳng định các công ty này đã cam kết tách khỏi nhà tài phiệt Deripaska và nhân vật này vẫn nằm trong danh sách đen trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Washington công bố hồi tháng 4/2018 nhằm vào các nhà tài phiệt thân cận với Điện Kremlin.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo việc duy trì trừng phạt có thể làm rối loại các thị trường nhôm, hoặc thậm chí khiến Chính phủ Nga quốc hữu hóa tập đoàn sản xuất nhôm Rusal, qua đó ngăn chặn mọi sự kiểm soát từ bên ngoài. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh các trừng phạt "không nên là một vấn đề chính trị".
Ngày 10/1 vừa qua, Nga đã tuyên bố áp dụng nhiều biện pháp tài chính đối phó với lệnh trừng phạt mới. Ngân hàng trung ương Nga có kế hoạch tiếp tục giảm dự trữ USD, đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa nước này với Trung Quốc bằng đồng nội tệ, từ đó giảm phụ thuộc vào đồng USD để đối phó với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hệ thống tài chính của Moskva.