Sáng 2/8 (theo giờ Việt Nam), với tỷ lệ 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng mức trần nợ công nhằm ngăn chặn thảm họa vỡ nợ và cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu công, mở đường cho văn kiện này được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện.
Một phụ nữ tại New York theo dõi biến động trên thị trường tài chính sau khi Hạ viện Mỹ thông qua mức trần nợ công. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Dự luật trên cho phép Chính phủ Mỹ được vay thêm tiền để thanh toán các khoản nợ sau thời hạn chót đêm 2/8 (tức 11 giờ ngày 3/8 theo giờ Việt Nam). Mức trần nợ công sẽ được nâng lên thêm ít nhất 2.100 tỷ USD và cắt giảm khoảng 2.500 tỷ USD chi tiêu của chính phủ trong vòng 10 năm, song không tăng thuế đối với người giàu hay các doanh nghiệp giàu có đúng như những đòi hỏi của Đảng Cộng hòa.
Việc cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu cắt giảm 1.000 tỷ USD và giai đoạn hai cắt giảm 1.500 tỷ USD. Kế hoạch cắt giảm giai đoạn đầu dự kiến sẽ có hiệu lực ngay, trong khi kế hoạch chi tiết cho việc cắt giảm 1.500 tỷ USD sẽ do một ủy ban lưỡng đảng của quốc hội đưa ra đưa ra vào 23/11 tới và quốc hội sẽ thông qua vào ngày 23/12.
Dự kiến Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật này trong ngày 2/8 và nhiều khả năng sẽ thông qua dự luật.
Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền của Tổng thống Barack Obama
hoạt động đến ngày 2/8. Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, bộ trên không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.
TTXVN/Tin Tức