Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong đơn kiện trình Tòa án quận Columbia, Hạ viện Mỹ cáo buộc Tổng thống Trump đã vi phạm thẩm quyền hiến pháp của Quốc hội khi huy động các khoản ngân sách liên bang đã được phân bổ cho các lĩnh vực khác để xây dựng bức tường biên giới sau khi Quốc hội đã phê duyệt 1,375 tỷ USD cho an ninh biên giới.
Đơn kiện cũng nêu rõ trong lịch sử của Mỹ chưa có tiền lệ Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động được nguồn ngân sách sau khi không giành được sự chấp thuận của Quốc hội.
Động thái trên diễn ra trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến thăm tới bang California để kiểm tra một đoạn bức tường được xây dọc biên giới giới giữa Mỹ và Mexio. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng về động thái này của Hạ viện.
Ngày 15/2 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động ngân sách xây bức tường biên giới sau khi quốc hội không chấp nhận khoản ngân sách do ông đề nghị.
Hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp do Tổng thống Trump ban bố. Tuy nhiên, ông Trump đã lần đầu tiên sử dụng quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ tổng thống để ngăn chặn luật mà ông cho là "nguy hiểm" và "thiếu thận trọng" này.
Ngày 26/3 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu nhằm đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với luật này. Với kết quả này, Tổng thống Trump có thể huy động các nguồn quỹ liên bang để xây bức tường biên giới mà không chịu bất cứ sự can thiệp nào của Quốc hội.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống Trump ban bố ngày 15/2 đã gây ra một cuộc tranh luận trong chính các nghị sĩ đảng Cộng hòa về việc có nên thay đổi Đạo luật khẩn cấp quốc gia hay không. Mặc dù đa số các thành viên đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Tổng thống Trump về vấn đề an ninh biên giới, song họ cũng lo ngại rằng các tổng thống tới từ đảng Dân chủ trong tương lai có thể sử dụng quyền giống như Tổng thống Trump để buộc thông qua các vấn đề khác như biến đổi khí hậu hoặc kiểm soát súng đạn.