Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Điều khoản 702 cho phép Chính phủ Mỹ thu thập thông tin liên lạc của công dân nước ngoài ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ mà không cần xin lệnh của tòa án. Điều khoản này đã bị một số nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như một số tổ chức phản đối vì đôi khi chính phủ cũng thu thập dữ liệu của công dân Mỹ liên lạc với những người nước ngoài bị theo dõi.
Một điểm sửa đổi được đưa ra nhằm bổ sung quy định xin lệnh của tòa trong một số tình huống, nhưng điểm sửa đổi này đã không được thông qua trong cuộc bỏ phiếu sát sao với tỷ lệ 212-212. Phe Cộng hòa bảo thủ và phe Dân chủ cấp tiến ủng hộ xin lệnh của tòa vì theo họ, điều này là cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư của công dân Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng và giới chức tình báo cảnh báo rằng việc xin lệnh của tòa sẽ làm hỏng FISA và khiến nước Mỹ “mù” tin tình báo giúp phát giác nguy cơ khủng bố và những rủi ro khác cho an ninh quốc gia.
Trước đó hai ngày, 19 hạ nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn đã bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục về dự luật này. Tuy nhiên, đến ngày 12/4, nhóm nghị sĩ này đã ngừng phản đối, cho phép dự luật được đưa ra bỏ phiếu sau khi đạt thỏa thuận với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của đảng Cộng hòa, đại diện cho bang Louisiana, cùng với nhóm của ông. Theo thỏa thuận, FISA chỉ được gia hạn 2 năm chứ không phải 5 năm như đề nghị ban đầu.
Phía đảng Cộng hòa cho biết việc chỉ kéo dài FISA thêm 2 năm là để cựu Tổng thống Donald Trump có cơ hội xem lại đạo luật này nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 tới. Ngay trước cuộc bỏ phiếu ngày 10/4, ông Trump đã lên mạng xã hội kêu gọi các hạ nghị sĩ Cộng hòa “ngăn chặn FISA” vì theo ông, dự luật này bị lợi dụng để theo dõi chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông.
Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét phê chuẩn.