Trụ sở của FED tại thủ đô Washington D.C., Mỹ. |
Với 241 phiếu thuận và 185 phiếu chống, "Đạo luật Hiện đại hóa và Cải cách giám sát FED" này buộc FED công khai các chính sách tiền tệ rõ ràng hơn với Quốc hội, chính quyền cũng như người dân Mỹ. Theo đó, dự luật yêu cầu FED sử dụng một hệ công thức để tính toán lãi suất song cũng cho phép FED thay đổi chiến lược nếu các điều kiện kinh tế có sự chuyển biến rõ ràng.
Tuy nhiên, Văn phòng Giải trình Chính phủ được phép kiểm tra công thức tính toán mà FED sử dụng cũng như việc thực hiện các chính sách của FED bất cứ lúc nào. Dự luật này cũng siết chặt các quyền của FED trong việc hỗ trợ cho các thể chế tài chính đang gặp vấn đề vốn được mở rộng từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Những người ủng hộ cho rằng dự luật này sẽ khiến FED minh bạch và có trách nhiệm rõ ràng hơn trong các quyết sách về tiền tệ và ngăn chặn trường hợp FED sử dụng tiền thuế của người dân để cứu các ngân hàng đang vỡ nợ. Trong khi đó, nhiều chuyên gia, trong đó có Chủ tịch FED Janet Yellen từng cảnh báo dự luật này sẽ chính trị hóa chính sách tiền tệ và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nếu trở thành luật.
Dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện Mỹ xem xét. Tuy nhiên kể cả khi được Quốc hội thông qua, dự luật này dự báo sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhà Trắng bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết.