Luật trên được thông qua với tỷ lệ sít sao 222 phiếu ủng hộ và 210 phiếu chống, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Trước đó, hồi tháng 6/2021, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật riêng mang tên Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ.
Theo quy định, cả hai viện phải đạt đồng thuận về một phiên bản dự luật chung (mang tính thỏa hiệp) trước khi gửi văn kiện này lên Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Việc đàm phán có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng dù ông Biden hối thúc hành động nhanh chóng để sớm có một đạo luật mà ông gọi là "mang tính sống còn" này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cảnh báo: "Thêm một ngày trì hoãn, chúng ta sẽ tụt lại đằng sau xa hơn và làm tăng nguy cơ an ninh quốc gia".
Đạo luật của Hạ viện cho phép gần 300 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, trong đó 52 tỷ USD dành riêng hỗ trợ cho sản xuất thiết bị bán dẫn và nghiên cứu các thành phần quan trọng sử dụng trong máy tính và xe ô tô. Gói tiền trên cũng bao gồm việc chi 45 tỷ USD trong 6 năm tới để giảm nhẹ các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, vốn đang gây ra tình trạng khan hiếm thiết bị bán dẫn thời gian gần đây. Luật trên cũng thay đổi các quy định thương mại của Mỹ, như tăng cường quy định về chống bán phá giá. Luật cũng cho phép Mỹ đóng góp 8 tỷ USD vào quỹ Khí hậu Xanh, được lập ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.