Tại Connecticut, sau một thời gian phong tỏa, bang này thực hiện giai đoạn mở cửa trở lại đầu tiên bắt đầu từ ngày 20/5 – thời điểm bang ghi nhận số ca mắc và ca nhập viện giảm trong vài ngày trước đó. Bang này tiếp tục mở cửa giai đoạn hai vào ngày 17/6, sớm hơn kế hoạch vài ngày khi số ca nhập viện và ca nhiễm bệnh vẫn ở mức thấp.
Còn tại Rhode Island, giai đoạn mở cửa trở lại đầu tiên bắt đầu từ ngày 9/5 sau khi Thống đốc Gina Raimondo cho biết số ca mắc bệnh và nhập viện ổn định trong suốt hai tuần. Số ca mắc mới giảm 25% trong cùng giai đoạn đó. Kể từ đó, số ca hàng ngày trung bình tiếp tục giảm ở Rhode Island. Số ca nhập viện giảm xuống dưới 100 ngày 26/6.
Từ hồi tháng 4, trước khi mở cửa trở lại, Thống đốc Raimondo cho biết Rhode Island sẽ cần đáp ứng các yêu cầu như: 14 ngày ghi nhận số ca mắc mới giảm, có khả năng nhanh chóng xác định ca lây lan trong cộng đồng, hệ thống y tế có đủ năng lực, có kế hoạch thực hiện giãn cách xã hội lâu dài.
Tính tới sáng 29/6 (giờ Việt Nam), số ca mắc COVID-19 ở Connecticut là 46.206 ca, trong đó có 4.311 ca tử vong. Tại Rhode Island, có 16.661 ca mắc và 927 ca tử vong. Biểu đồ của hai bang này cho thấy xu hướng giảm ca bệnh rõ ràng.
Trong khi đó, theo tờ Business Insider, số liệu của Đại học John Hopkins cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng ở 36 bang trong bối cảnh Mỹ ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục trong nhiều ngày qua. Trong tổng số trên 10,2 triệu ca bệnh toàn cầu, Mỹ có tới 2,6 triệu ca và đứng đầu thế giới.
Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cho biết số ca mắc tăng ở Mỹ có thể có nhiều nguyên nhân: “Ở một số nơi, có thể do họ mở cửa trở lại quá sớm. Ở một số trường hợp khác, có thể họ mở cửa đúng thời điểm và các cơ quan chính quyền, cơ sở y tế thực hiện đúng mọi quy định, nhưng người dân lại không có ý thức tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội mà chúng tôi đã khuyến nghị hoặc không đeo khẩu trang”.
Gần một nửa số bang ở Mỹ bắt đầu mở cửa lại vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 mà chưa đáp ứng đủ điều kiện mà Nhà Trắng đưa ra. Theo đó, các bang cần chờ khi ca mắc và ca xét nghiệm dương tính đi xuống rồi mới mới mở cửa lại.
Nhiều bang đã phải hoãn mở cửa trở lại khi số ca mắc tăng vọt. Ông Tom Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết xu hướng tăng ca mắc mới là rõ ràng và không phải do xét nghiệm tăng, đồng thời cảnh báo sẽ có nhiều người mắc bệnh và tử vong trong thời gian tới. Ông Tom Frieden phát biểu ngày 28/6 trên Fox News: “Là bác sĩ, nhà khoa học, nhà dịch tễ, tôi dám chắc 100% với các bạn là có xu hướng tăng thực sự”.
Theo ông Frieden, ở miền Nam nước Mỹ, số ca mắc tăng là do vội vã mở cửa trở lại và tình hình sẽ tiếp tục xấu đi trong nhiều tuần nữa. Số ca tử vong chưa tăng ngay vì sẽ tăng chậm hơn so với ca mắc khoảng 1 tháng. Ông Frieden dự báo Mỹ sẽ có ít nhất thêm 15.000 ca tử vong nữa trong tháng 7.
Giám đốc CDC cho rằng những con số kỷ lục mà Mỹ ghi nhận về COVID-19 có thể chỉ là phần nổi tảng băng. Khảo sát của CDC cho thấy tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ có thể gấp từ 6 đến 24 lần con số chính thức.
Trong khi đó, giới chức nhiều nơi ở Mỹ đang tìm cách xử lý tình trạng virus lây lan nhanh ngoài tầm kiểm soát. Ít nhất 12 bang đã ngừng hoặc thu hẹp kế hoạch mở cửa trở lại với hy vọng giảm đà lây lan của virus.
Các bang cũng kêu gọi người trẻ tuổi giữ khoảng cách, dùng khẩu trang khi thấy xu hướng gia tăng ca bệnh trong nhóm người trẻ. Ở Mississippi, các quan chức cho rằng tiệc tùng là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc ở bang gia tăng. Ở Florida, Thống đốc De Stantis cho biết độ tuổi trung bình người mắc bệnh hồi tháng ba là 60, còn trong hai tới ba tuần qua, độ tuổi trung bình giảm xuống 30.
Một số nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết khi số ca bệnh tăng, người Mỹ có thể sẽ không được phép vào EU khi khối này bắt đầu mở cửa cho du khách quốc tế.