Chủ đề của vòng tranh luận này tập trung vào các vấn đề kinh tế và phúc lợi xã hội, tài chính, đầu tư, thương mại và công nghiệp.
Ủy ban bầu cử quốc gia (KPU) đã cử 10 thành viên tham gia phụ trách việc kết nối và chuẩn bị các câu hỏi về các vấn đề sẽ được tranh luận. Nhóm tham luận viên bao gồm các nhà kinh tế từ nhiều trường đại học và tổ chức khác nhau được KPU lựa chọn.
Tại cuộc tranh luận, ứng cử viên Prabowo Subianto tuyên bố sẽ tăng giá trị cho ngành công nghiệp của Indonesia. Ông Prabowo cho rằng chính quyền Tổng thống Joko Widodo chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và kết quả là ngành công nghiệp bị tụt hậu. Việc thúc đẩy ngành công nghiệp và duy trì sự chắc chắn trong kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp của Indonesia.
Đáp lại những chỉ trích của ông Prabowo liên quan đến cơ sở hạ tầng, ông Widodo nói rằng đó là một phần của giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình. Tổng thống Indonesia cho rằng cơ sở hạ tầng nước này sẽ được liên kết với các khu vực công nghiệp, các điểm du lịch và công trình xây dựng.
Indonesia sẽ tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống vào ngày 17/4 tới trên phạm vi cả nước. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Indonesia, có 5 cuộc tranh luận của các ứng cử viên được lên kế hoạch diễn ra vào các ngày 17/1, 17/2, 17/3, 30/3 và cuối cùng là ngày 13/4. Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo tham gia tranh cử với người liên danh Maruf Amin, trong khi đối thủ của cặp ứng cử viên này là ông Prabowo Subianto và Sandiaga Uno.