Theo hãng tin Reuters (Anh), làng vận động viên và trung tâm báo chí Olympic, được xây dựng theo mô hình "bong bóng", là khu vực kiểm soát COVID-19 khổng lồ và nghiêm ngặt, dành cho hơn 50.000 vận động viên, huấn luyện viên, nhân viên và các nhà báo.
Những người tham gia Thế vận hội được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay, khi nhập cảnh và thường xuyên sau đó. Cho đến nay, ban tổ chức đã thực hiện gần 275.000 lần xét nghiệm. Các vận động viên phải xét nghiệm hàng ngày, trong khi phóng viên tham gia lấy mẫu trước các sự kiện và 4 ngày/lần tại trung tâm báo chí.
Người phát ngôn của Ủy ban Olympic Quốc tế Mark Adams cho biết tỉ lệ ca dương tính ở Thế vận hội chỉ là 0,02%.
"Chắc chắn đây là cộng đồng được xét nghiệm gần như nhiều nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới", ông Adams nói.
Bên cạnh đó, các vận động viên có xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được cách ly ngay lập tức và cấm một số tham gia thi đấu. Hôm 29/7, vận động viên nhảy sào Sam Kendricks (Mỹ) và đối thủ German Chiaraviglio (Argentina) đã bị loại sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hai người khác tham dự Thế vận hội cũng đã phải nhập viện vì COVID-19, một phát ngôn viên của Tokyo 2020 cho biết hôm 29/7, mặc dù không có trường hợp nào nghiêm trọng. Ban tổ chức cũng đã ghi nhận 24 ca nhiễm mới liên quan đến Olympic, trong đó có 3 vận động viên, nâng tổng số ca mắc trong tháng này lên 193 trường hợp.
Giám đốc kỹ thuật của đoàn thể thao Hà Lan Maurits Hendriks cho biết quy định nghiêm ngặt khiến các vận động viên nước này đã cảm thấy "khó khăn" khi phải ở trong một khu vực "rất nhỏ" và thiếu không khí trong lành.
Còn với các phóng viên, trong thời gian làm nhiệm vụ, họ phải thông báo thân nhiệt và tình trạng sức khỏe hàng ngày. Đồng thời, ban tổ chức cũng yêu cầu họ phải sử dụng một ứng dụng trên thiết bị di động để tiện theo dõi và dễ dàng liên lạc.
Tại trung tâm báo chí, các phóng viên phải vệ sinh tay trước khi xếp hàng kiểm tra an ninh. Nước rửa tay được đặt ở khắp mọi nơi. Ban tổ chức cũng khử khuẩn micro sau mỗi câu hỏi trong mỗi cuộc họp báo.
Việc đeo khẩu trang là quy định bắt buộc đối với người tham gia Thế vận hội, trừ những khi cần quét nhận dạng khuôn mặt hay khi ăn uống. Những người vi phạm quy định sẽ bị khiển trách.
Trong khi đó, ở bên ngoài, thành phố chủ nhà Tokyo đang áp dụng tình trạng khẩn cấp đối phó với làn sóng COVID-19 thứ 4 trong bối cảnh số ca mắc tăng vọt. Tuy vậy, biện pháp này không nghiêm ngặt như các đợt phong toả được áp dụng tại các thành phố lớn như London, New York hay Sydney. Hơn nữa, người dân đang thích nghi với cuộc sống bình thường mới và nhận thức của họ về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng đang dần biến mất. Nhiều người dân vẫn đi lại đông đúc trên đường phố.
Hôm 29/8, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết ông cảm nhận rõ về sự cấp bách của đại dịch. Ông kêu gọi mọi người ở nhà và xem Thế vận hội, được tổ chức hầu như không có khán giả, trên TV. Các giới hạn đi lại và khuyến nghị làm việc trực tuyến vẫn được áp dụng.
Lượng người đi lại xung quanh ga Shinjuku của Tokyo, một trong những nơi đông đúc nhất thế giới, đã giảm hơn 80% trong thời điểm Tokyo lần đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp vào tháng 4 và tháng 5/2020, theo phân tích của công ty dữ liệu tư nhân Agoop. Tuy nhiên, con số đó hiện chỉ giảm 37% khi tình trạng khẩn cấp so với thời điểm trước đại dịch. Nhiều người dân Tokyo cho biết sự quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy tổ chức Thế vận hội đã khiến mọi người cảm thấy việc ra ngoài là điều có thể chấp nhận được.
Các ca mắc COVID-19 ở Tokyo bắt đầu tăng đột biến ngay trước khi Thế vận hội diễn ra và tăng lên mức kỷ lục 3.865 vào ngày 29/7, từ mức dưới 1.000/ngày vào giữa tháng này, mặc dù các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong đã giảm.
So với 80% số người tham dự Olympic trong trong làng Thế vận hội đã tiêm vaccine, chỉ có 21% người dân Tokyo đã được tiêm chủng. Thành phố 14 triệu dân cũng đã thực hiện xét nghiệm cho khoảng 2,9 triệu người.
Trong giờ cao điểm đông đúc ở quận Shibuya nhộn nhịp, sinh viên đại học Nae Onaka, 19 tuổi, cho biết cô đã hạn chế ra ngoài ít nhất có thể, nhưng cô bắt buộc phải ra ngoài khi đến công ty hoặc đi làm thêm.
“Do Tokyo đã nhiều lần phong toả, nhận thức của mọi người về mức độ nghiêm trọng của đại dịch cũng đã mờ nhạt dần. Tôi nghĩ người dân bắt đầu không coi trọng tình trạng khẩn cấp nữa. Do đó, đã có nhiều trường hợp mắc COVID-19 hơn gần đây, vì vậy tôi có một chút lo lắng”, Onaka chia sẻ.
Trên các chuyến tàu công cộng, hầu như các hành khách đều đeo khẩu trang và hạn chế nói to. Nhân viên tòa tàu vẫn thường mở một số cửa sổ để không khí lưu thông. Sau giờ làm việc, mặc dù các quán bar đã tuân thủ quy định đóng cửa trước 8 giờ tối, nhưng các cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động suốt đêm.
Vào một đêm ở quận Ikebukuro đông đúc, những người trẻ tuổi đã tìm thấy một không gian ngoài trời để tụ tập.
"Tại thời điểm này, tôi không nghĩ có thể làm gì nhiều để tránh COVID-19. Tôi không muốn mắc bệnh, nhưng nhiều người không thể tránh được", Yuka Toma, 19 tuổi, nói. "Tôi làm trong ngành dịch vụ khách sạn, vì vậy tôi nhất định phải tiêm vaccine mới được đi làm. Mọi người cũng đều có thể đã tiêm vaccine. Vì vậy, tôi mới bắt đầu đi chơi."