Binh sĩ Triều Tiên gác tại khu vực làng đình chiến Panmunjom, biên giới trên bộ giữa hai miền Triều Tiên ngày 30/11/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc đàm phán dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/1 tới tại làng đình chiến Panmunjom nằm trên biên giới giữa hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hai bên đã bắt đầu phiên liên lạc đầu tiên qua đường dây nóng sáng 6/1 và thảo luận thành phần phái đoàn tham gia đàm phán thông qua việc trao đổi văn bản.
Seoul đã đề xuất cử một phái đoàn gồm 5 thành viên do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon dẫn đầu, trong đó có hai Thứ trưởng đến từ Bộ Thống nhất và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, trong khi phía Triều Tiên vẫn chưa công bố.
Hai bên đã kết thúc các cuộc thảo luận trong chiều cùng ngày và nhất trí tiếp tục bàn thảo về những vấn đề trên trong ngày 7/1.
Trong khi đó, các quan chức Nhà Xanh cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng ngày đã được thông báo về công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán liên Triều vào tuần tới. Một quan chức nhận định cuộc đối thoại liên Triều là sự khởi đầu cho việc thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đưa tin ông Chang Ung, một đại diện của Triều Tiên tại Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), thông báo nước này "có thể sẽ tham gia" Olympic mùa Đông diễn ra vào tháng sau tại Hàn Quốc, dấu hiệu mới nhất về sự tan băng trong quan hệ căng thẳng liên Triều.
Theo nguồn tin trên, ông Chang Ung đưa ra thông báo trên với báo giới trong khi dừng chân tại sây bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc). Ông này được cho sẽ tới Thụy Sĩ để gặp gỡ các quan chức IOC nhằm thảo luận về khả năng Triều Tiên tham dự Thế vận hội.
Trong thông điệp Năm mới đưa ra ngày 1/1 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Seoul và xem xét cử các vận động viên của nước này tham gia tranh tài tại Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018. Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Bình Nhưỡng sau những căng thẳng liên tiếp trong năm 2017.
Ngay sau đó, Tổng thống Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Seoul sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào".
Seoul hy vọng việc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, từ đó mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại sâu rộng hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.