Tổ chức bảo tồn Oceana đã cáo buộc một đội tàu cá Trung Quốc đến vùng biển gần quần đảo Galapagos để đánh bắt mực. Đài BBC (Anh) đưa tin hạm đội này bao gồm hơn 400 tàu cá với 11 tàu đang qua lại trong EEZ của Chile. Từ tháng 11, Chile tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp ngăn đánh bắt cá trái phép.
Theo Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển, các quốc gia ven biển có quyền lực pháp lý với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong EEZ. Điều này đồng nghĩa với việc các tàu cá Trung Quốc được đi qua vùng EEZ Chile nhưng không thể đánh bắt cá tại đây.
Từ tháng 6, sự xuất hiện của các tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Galapagos đã khiến Ecuador quan ngại. Đại sứ quán Trung Quốc ở Ecuador từng nhấn mạnh Bắc Kinh có chính sách “không chấp nhận” đánh bắt cá trái phép. Chính phủ Trung Quốc cũng đề xuất ngưng đánh bắt cá gần quần đảo Galapagos trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến 11.
Nhưng các tàu đánh bắt cá Trung Quốc lại chuyển hướng đến vùng biển Peru. Các ngư dân Peru đã lo lắng “hạm đội” tàu cá Trung Quốc lớn sẽ thâu tóm hết số mực trong khu vực và gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ.
Oceana cho biết một số tàu cá Trung Quốc thậm chí đã tắt thiết bị phát tín hiệu dò tìm. Theo Oceana đây là đấu hiệu của “hành vi trái phép”.
Trong tháng 11, có 4 quốc gia Nam Mỹ đã cùng phối hợp để chống đánh bắt cá trái phép. Chile, Colombia, Ecuador và Peru đã đưa ra thông cáo chung cho biết cùng phối hợp để “ngăn chặn và cùng đối đầu” với việc đánh bắt cá trái phép.
Năm 2017, Hải quân Ecuador từng bắt tàu đánh cá Fu Yuan Yu Leng 999, nằm trong nhóm tàu đông đảo của Trung Quốc, chở theo 300 tấn động vật biển, hầu hết trong đó là cá mập.