Theo hãng tin AP, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, điều tra ban đầu của Hải quân phát hiện con tàu đến từ Iran, cho thấy nước Cộng hoà Hồi giáo này trang bị vũ khí cho phiến quân Houthi bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, phái bộ Iran tại Liên hợp quốc chưa đưa ra bình luận về cáo buộc trên, mặc dù trước đây Tehran đều phủ nhận cung cấp vũ khí cho phiến quân ở Yemen.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Monterey đã phát hiện lô vũ khí nói trên trên một chiếc tàu buồm truyền thống vùng Trung Đông. Vụ bắt giữ xảy ra từ ngày 7/5 trên vùng biển phía bắc biển Arab, ngoài khơi Oman và Pakistan.
Các thuỷ thủ Mỹ đã lên tàu buồm và phát hiện số vũ khí hầu hết được bọc trong nilon màu xanh lá, giấu dưới boong tàu. Khi được đưa lên boong tàu Monterey, quy mô của lô vũ khí lậu thực sự gây chú ý. Các thuỷ thủ đã thu được gần 3.000 khẩu súng trường tấn công Type 56 của Trung Quốc, một biến thể của súng Kalasnikov (súng AK).
Họ cũng bắt giữ hàng trăm súng máy hạng nặng và súng trường bắn tỉa, cũng như hàng chục tên lửa dẫn đường chống tăng. Lô hàng còn bao gồm vài trăm súng phóng rocket và ống ngắm quang học cho vũ khí.
Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, đóng tại Trung Đông, không xác định được nguồn gốc của các loại vũ khí nói trên cũng như điểm đến của chúng. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vũ khí này giống với vũ khí trong các chuyến hàng khác được giao cho phiến quân Houthi.
Cũng theo quan chức giấu tên này, dựa trên các cuộc phỏng vấn với thủy thủ đoàn và vật chứng trên tàu bị bắt, Hải quân Mỹ xác định con tàu đến từ Iran.
Trong khi đó, Hạm đội 5 cho biết trong một tuyên bố: “Sau khi tất cả hàng hóa bất hợp pháp được loại bỏ, chiếc tàu được đánh giá về khả năng đi biển và sau khi thẩm vấn, thủy thủ đoàn đã được cung cấp thức ăn và nước uống trước khi được thả”.
Sự vụ trên chỉ là vụ mới nhất ở Biển Ả Rập hoặc Vịnh Aden liên quan đến vũ khí có khả năng dính líu tới cuộc chiến ở Yemen. Các vụ bắt giữ như vậy bắt đầu từ năm 2016 và tiếp tục diễn ra không liên tục trong suốt cuộc chiến. Yemen được cho là đang tràn ngập những vũ khí nhỏ được đưa lậu vào các cảng được kiểm soát kém trong nhiều năm xung đột.
Vụ bắt giữ hôm 7/5 dường như là một trong những vụ lớn nhất. Tim Michetti, một nhà nghiên cứu về điều tra buôn bán vũ khí bất hợp pháp, cũng cho biết lô hàng này có những điểm tương đồng với những lô hàng khác bị bắt khi trên đường tới Yemen.
Cuộc chiến tại Yemen bắt đầu vào tháng 9/2014, khi phiến quân Houthis chiếm thủ đô Sanaa và bắt đầu một cuộc hành quân xuống phía nam để tìm cách chiếm đóng toàn bộ đất nước. Saudi Arabia cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quốc gia khác đã tham gia cuộc chiến bên phe chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen vào tháng 3/2015. Về phần mình, Iran hậu thuẫn cho Houthi, quấy rối Saudi Arabia bằng hỏa lực tên lửa và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Theo Dự án Địa điểm & Sự kiện Xung đột Vũ trang, chiến tranh đã khiến khoảng 130.000 người thiệt mạng, trong đó có hơn 13.000 dân thường bị giết trong các cuộc tấn công có chủ đích.
Cuộc chiến Yemen cũng đã chứng kiến sự tàn bạo từ mọi phía can dự. Các cuộc không kích của Saudi Arabia, sử dụng bom do Mỹ sản xuất, đã giết chết học sinh và dân thường. Trong khi đó, phiến quân Houthis sử dụng binh lính trẻ em và đặt mìn bừa bãi.
Kể từ năm 2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với phiến quân Houthi. Mặc dù vậy, các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các cá nhân hoặc thực thể ở Cộng hòa Hồi giáo Iran cung cấp một lượng lớn vũ khí và linh kiện cho Houthi”.