Theo Thống đốc bang Texas Greg Abbott, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cử 5 đơn vị thuộc lực lượng Hải quân tới 4 địa điểm ở phía Nam và Tây Nam bang Texas.
Từ ngày 19/7, một đội chăm sóc y tế đặc biệt của Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu hỗ trợ công tác khống chế dịch ở bang này trong khi 4 đội phản ứng nhanh khu vực nông thôn của Hải quân Mỹ sẽ hỗ trợ các bệnh viện ở phía Nam và Tây Nam Texas. Các đội đều có chuyên gia y tế và các nhân viên hỗ trợ, được triển khai để giúp đỡ công tác ứng phó dịch tại các bệnh viện trên toàn bang.
Hồi đầu tháng, theo đề nghị của thống đốc Abbott và cũng là một phần trong kế hoạch toàn quốc, Lực lượng Quân y đô thị Mỹ (UAMTF) cũng đã tới Texas để hỗ trợ các khu vực Houston và San Antonio.
Hiện số ca mắc bệnh, tử vong và nhập viện điều trị vẫn tiếp tục tăng tại bang miền Nam nước Mỹ. Chỉ riêng trong ngày 18/8, bang này đã ghi nhận 10.158 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại bang này lên 317.730 ca, trong đó có 3.865 ca tử vong.
* Tại Israel, giới chức y tế đã đưa vào sử dụng các xe buýt cứu thương để vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Mỗi xe buýt có thể tiếp nhận tối đa 13 bệnh nhân thường hoặc tối đa 2 bệnh nhân nguy kịch cần các hệ thống thiết bị hỗ trợ phức tạp.
Đây là phương tiện đặc biệt được Trung tâm dịch vụ khẩn cấp quốc gia Israel (MDA) và quân đội Israel phối hợp phát triển đặc biệt để ứng phó dịch bệnh và cũng sẽ được đưa vào dử dụng trong những trường hợp cần thiết trong tương lai.
Loại xe mới, AmbuBuses, được trang bị hệ thống camera bên trong để các chuyên gia y tế ở trung tâm MDA có thể theo dõi bệnh nhân từ xa và hướng dẫn các nhân viên hỗ trợ tại xe. Xe còn có các thiết bị hỗ trợ sự sống tiên tiến, thiết bị ép lồng ngực tự động, máy khử rung, tủ lạnh để bảo quản mẫu máu và thuốc. Ngoài ra, xe còn có hệ thống các ổ điện đặc biệt cho phép kết nối thêm các thiết bị y tế bên ngoài khi cần thiết, hệ thống trao đổi oxy đặc biệt giúp làm mới không khí trong xe chỉ trong 7 phút.
* Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/7, Liên Hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 283 triệu USD để giúp Sudan phòng chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, trong bối cảnh hàng triệu người nước này phải đối mặt với nạn đói.
Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Sudan Gwi-Yeop Son cho biết dịch COVID-19 xuất hiện tại quốc gia Đông Phi trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống trong khi hệ thống y tế bị quá tải.
Tới nay, quốc gia này đã ghi nhận trên 10.000 trường hợp nhiễm COVID-19, và khoảng 650 người tử vong, buộc các cơ quan chức năng phải tái áp đặt phong toả đối với bang Khartoum, bao gồm cả thủ đô.
Ông Tinago Chikoto, Phó Giám đốc Văn phòng điều phối nhân đạo của LHQ (OCHA) tại Sudan, cho biết trên 9,6 triệu người (gần 25% dân số) - đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, con số cao nhất từng được ghi nhận ở Sudan. LHQ và các đối tác nhân đạo đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, cung cấp lương thực cho khoảng 2,3 triệu người Sudan trong 3 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, số người trông chờ vào nguồn viện trợ vẫn đang ở mức cao và các tổ chức nhân đạo đang phải kêu gọi, huy động thêm nguồn kinh phí.