Ông Lassina Zerbo, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện, vừa tiết lộ với tờ Wall Street Journal qua thư điện tử rằng hai ngày sau vụ nổ, các trạm giám sát hạt nhân ở Kirov và Dubna đã gặp phải “các vấn đề về mạng và liên lạc”.
Báo cáo ban đầu của Cơ quan năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga cho biết 5 nhân viên đã thiệt mạng trong sự cố nổ động cơ tên lửa thử nghiệm tại một căn cứ quân sự ở vùng cực Bắc Arkhangelsk.
Trong khi đó, tờ Guardian ghi nhận mức độ phóng xạ tại thành phố lân cận Severodvinsk đã tăng 20 lần gấp bình thường khoảng nửa giờ sau khi vụ nổ xảy ra, trước khi trở lại mức bình thường. Được biết, người dân trong khu vực này đã mua dự trữ nhiều muối i-ốt, giúp giảm nguy cơ nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, ngày 19/8, trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp liên quan vụ cháy nổ động cơ tên lửa mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không có bất kỳ nguy cơ nào về phóng xạ sau sự cố trên.
Hai ngày sau đó, Rosatom ra thông báo lại vụ nổ xảy ra trên một bãi thử ở ngoài khơi, nhằm thử nghiệm một nguồn năng lượng đồng vị hạt nhân. Hậu quả, 5 kỹ sư thiệt mạng và ba người khác bị thương.
Ông H.I. Sutton, một cộng tác viên của tạp chí Forbes, đã viết bài dự đoán về thứ vũ khí mà Nga đang thử nghiệm tại thời điểm xảy ra sự cố. Theo phân tích của ông Sutton, Moskva đang thử nghiệm “ngư lôi khổng lồ” lớn gấp 30 lần ngư lôi của tàu ngầm hạng nặng.
Ông Sutton cho rằng vũ khí mới của Nga sẽ được phóng từ tàu ngầm cỡ lớn và được các tảng băng ở Bắc Cực che chắn, “ngư lôi khổng lồ” sẽ có tầm bắn không giới hạn và chạy sâu đến mức không thứ vũ khí nào hiện nay có thể đánh chặn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng Twitter rằng Mỹ đang “học hỏi” từ vụ nổ tên lửa của Nga, đồng thời cho biết Mỹ sở hữu công nghệ tân tiến hơn.