Việc làm và những con số thất nghiệp - mối quan tâm trước hết của người Pháp, được đề cập ngay những phút đầu tiên tại cuộc đấu căng thẳng giữa hai ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2012-2017, vòng 2 đó là Francois Hollande, ứng cử viên cánh tả Đảng xã hội (PS) và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, thuộc đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), đối thủ cạnh tranh quyết liệt, vừa diễn ra trên truyền hình Pháp France 2 và TF1, trước hơn 44 triệu cử tri của nước này.
Ông Hollande (trái) và Sarkozy (phải) đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 2/5. Ảnh Internet. |
Đây là cuộc quyết đấu cuối cùng trước khi diễn vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 6/5. “Trận quyết chiến” này kéo dài gần ba giờ quyết liệt trước những lời hùng biện trình bày, rồi phản bác của từng ứng cử viên trước nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác nhau của nước Pháp, như những dự án về cải cách giáo dục, đào tạo, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, của nền kinh tế, tăng sức mua của người dân, các vấn đề miễn giảm thuế, tăng thuế, TVA, tăng giá cả thực phẩm, nhiên liệu, về chính sách tiền lương, thâm hụt ngân sách, đến các vấn đề xã hội như vấn đề người nhập cư, an ninh, vấn đề châu Âu, hạt nhân và những nét chính trong chính sách đối ngoại của Pháp liên quan đến các một số nước châu Phi và Trung Đông.
Cả hai ứng này đều đã “vạch trần” tất cả những lời hứa trước đây với việc minh chứng bằng những con số. Hollande đưa ra con số một triệu người mới thất nghiệp từ năm 2007 đến 2012, tăng 700.000 người, một con số kỷ lục. Trong khi đó Sarkozy đã bẻ lại và cho rằng con số này hoàn toàn không đúng. Ông đưa ra con số thống kê của INSEE là 422.000 người từ năm 2007 đến 2011, như vậy chỉ tăng 18,7% trong khi đó ở Italia tăng 37% và ở Tây Ban Nha tăng 191%.
Cả hai ứng cử viên đều bàn cãi khá lâu về hình mẫu của Đức. Hollande phê phán con số “thất nghiệp quá lớn” ở Pháp và cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp lớn hơn ở Đức, là do nhiều “biện pháp hay” của nước này đã bị ông Sarkozy từ chối không áp dụng như các biện pháp liên quan đến thuế TVA xã hội, các hiệp định hợp tác giữa sự cạnh tranh và việc làm, áp dụng 35 giờ làm việc...Nhưng ông Sarkozy cho rằng “Đức không phải là một hình mẫu”.
Về giáo dục đào tạo, cả hai ứng cử viên đề đồng ý với việc đào tạo nghề 10% người thất nghiệp một năm là chưa đủ. Nhưng ông Hollande đưa ra câu hỏi, trong 5 năm qua ông Sarkozy đã làm gì mà không nghĩ đến việc đào tạo trực tiếp và nâng cao chất lượng nghề nghiệp đối với người thất nghiệp… Ông Sarkozy cho rằng sự bất hợp lý này là do việc phân công trách nhiệm chưa hợp lý giữa ba lực lượng : các tổ chức công đoàn – cực công việc (Pôle emploi) - các vùng. Các con số được hai ứng cử viên đưa ra liên tục đối lập nhau làm cho cuộc đối thoại trực tiếp ngày cảng trở nên căng thẳng. Cuối buổi phát biểu, ứng cử viên Sarkozy cho rằng cuộc tranh luận diễn ra “rất hay, nhưng quyết định sẽ thuộc về người dân Pháp. Tôi tôn trọng điều đó. Đó là điều quan trọng đối với họ, bởi đó là một lựa chọn lịch sử”.
Lê Hà (P/v TTXVN tại Pháp)