Theo hãng tin Reuters ngày 4/11, Hamas đã dự trữ vũ khí, tên lửa, thực phẩm và vật tư y tế. Hamas tự tin rằng hàng nghìn tay súng có thể tồn tại nhiều tháng trong thành phố đường hầm sâu bên dưới đất ở Dải Gaza và khiến lực lượng Israel phải đối phó với chiến thuật du kích đô thị.
Cuối cùng, Hamas cho rằng khi thương vong dân sự ngày càng gia tăng, áp lực quốc tế yêu cầu chấm dứt bao vây Gaza có thể buộc Israel phải ngừng bắn và giải quyết bằng thương lượng. Sau đó, Hamas sẽ đưa ra các điều kiện như Israel phải thả hàng nghìn tù nhân Palestine để đổi lấy các con tin Israel.
Theo bốn quan chức Hamas, nhóm này đã nói rõ với Mỹ và Israel tại các cuộc đàm phán con tin gián tiếp do Qatar làm trung gian rằng họ muốn Israel thả tù nhân để đổi lấy con tin.
Về lâu dài, Hamas muốn Israel chấm dứt 17 năm phong tỏa Gaza, ngừng mở rộng khu định cư và ngừng những hành động bạo lực tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa - thánh đường Hồi giáo thiêng liêng nhất ở Jerusalem.
Ông Marwan Al-Muasher tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington nhận định: “Nhiệm vụ tiêu diệt Hamas không dễ dàng đạt được. Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này. Chúng ta đang ở trong thời kỳ đen tối. Cuộc chiến này sẽ không kết thúc nhanh”.
Israel đã triển khai hỏa lực trên không áp đảo kể từ ngày 7/10. Số người chết ở Gaza đã vượt quá 9.000 người, bạo lực mỗi ngày làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp thế giới khi chứng kiến trên 2 triệu người Gaza bị mắc kẹt trong vùng đất nhỏ hẹp trong hoàn cảnh không có nước, thực phẩm hoặc điện.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ quét sạch Hamas và bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn. Các quan chức Israel nói rằng họ không hề ảo tưởng về những gì có thể xảy ra ở phía trước và cáo buộc Hamas đang ẩn náu sau lưng dân thường.
Ông Danny Danon, cựu Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, cho biết Israel đã chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và khó khăn. Ông nói với Reuters: “Chúng tôi biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng và chúng tôi sẽ đánh bại Hamas. Vấn đề sẽ là cái giá phải trả và chúng tôi phải hết sức thận trọng, hết sức cẩn thận và hiểu rằng đây là một khu đô thị rất phức tạp”.
Mỹ nói rằng bây giờ không phải là thời điểm ngừng bắn, mặc dù khẳng định tạm dừng chiến sự là cần thiết để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.
Ông Adeeb Ziadeh, một chuyên gia người Palestine về các vấn đề quốc tế tại Đại học Qatar, nhận định Hamas chắc chắn phải có kế hoạch dài hạn hơn sau cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10. Ông nói: “Những người thực hiện cuộc tấn công ngày 7/10 với mức độ thành thạo, trình độ chuyên môn, độ chính xác và cường độ như vậy sẽ chuẩn bị cho một trận chiến lâu dài. Hamas không thể tham gia vào một cuộc tấn công kiểu này nếu không chuẩn bị đầy đủ và huy động nguồn lực để đạt được kết quả”.
Trong khi đó, Mỹ cũng dự báo Hamas sẽ cố gắng đẩy lực lượng Israel vào cuộc chiến trên từng đường phố ở Gaza và gây thương vong quân sự đủ nặng để làm suy yếu sự ủng hộ của dư luận Israel với cuộc xung đột kéo dài.
Theo một nguồn tin, các quan chức Israel vẫn nhấn mạnh với phía Mỹ rằng họ sẵn sàng đối đầu với các chiến thuật du kích của Hamas cũng như chịu được sự chỉ trích của quốc tế về cuộc tấn công Gaza. Nguồn tin cho biết thêm rằng vẫn chưa rõ liệu Israel có khả năng loại bỏ Hamas hay làm suy yếu nghiêm trọng tổ chức này hay không.
Hamas có khoảng 40.000 tay súng. Họ có thể di chuyển xung quanh khu vực này bằng một mạng lưới đường hầm kiên cố rộng lớn, dài hàng trăm km và sâu tới 80 mét, được xây dựng trong nhiều năm.
Ngày 2/11, các tay súng Hamas ở Gaza xuất hiện từ đường hầm để bắn vào xe tăng Israel sau đó biến mất trong mạng lưới hầm.
Để đối phó với chiến thuật này, các binh sĩ Israel tại đơn vị kỹ thuật chiến đấu đặc biệt Yahalom đã hợp tác với các lực lượng khác để xác định và phá hủy các đường hầm.
Hamas đã tiến hành một loạt cuộc chiến với Israel trong những thập kỷ gần đây. Ông Ali Baraka, người đứng đầu bộ phận Quan hệ đối ngoại của Hamas có trụ sở tại Beirut, cho biết nhóm này đã dần cải thiện khả năng quân sự, đặc biệt là về tên lửa. Ông nói thêm, trong cuộc chiến tranh Gaza năm 2008, tên lửa của Hamas có tầm bắn tối đa 40 km, nhưng con số này đã tăng lên 230 km vào cuộc xung đột năm 2021.
Ông Baraka nói với Reuters: “Trong mọi cuộc chiến, chúng tôi đều gây bất ngờ cho người Israel bằng một điều gì đó mới mẻ”.
Một quan chức thân cận với phong trào Hezbollah ở Liban, một đồng minh của Hamas, nói rằng sức mạnh chiến đấu của nhóm Hamas hầu như vẫn còn nguyên vẹn sau nhiều tuần bị bắn phá.
Hamas đã kêu gọi tiêu diệt Israel trong hiến chương thành lập năm 1988. Trong một tài liệu tiếp theo là hiến chương năm 2017, nhóm này lần đầu tiên chấp nhận ý tưởng về một nhà nước Palestine trong phạm vi biên giới năm 1967 mà Israel tuyên bố sau Chiến tranh Sáu ngày, mặc dù nhóm không công nhận rõ ràng quyền tồn tại của Israel.
Một quan chức Hamas đang ở Beirut là Osama Hamdan cho biết, cuộc tấn công ngày 7/10 và cuộc chiến ở Gaza đang diễn ra sẽ đưa vấn đề nhà nước Palestine trở lại các cuộc thảo luận. Ông nói: “Đây là cơ hội để chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi có thể tự tạo nên vận mệnh của mình. Chúng tôi có thể sắp xếp cân bằng khu vực vì lợi ích của chúng tôi”.
Còn theo ông Muasher, cuộc tấn công của Hamas cho thấy mọi khả năng để đạt ổn định ở Trung Đông mà không cần can dự với người Palestine đã chấm dứt. Ông nói: “Ngày nay rõ ràng là nếu không có hòa bình với người Palestine thì sẽ không có được hòa bình trong khu vực”.