Theo tờ The Guardian, ở Gaza, các nhà quản lý và cảnh sát của lực lượng Hamas duy trì quyền kiểm soát vững chắc ở miền Nam, nơi tập trung phần lớn dân cư, mặc dù trật tự dân sự đang bị phá vỡ ở các khu vực miền Trung.
Sự trỗi dậy của Hamas tại các khu vực bị quân đội Israel chiếm giữ và bắn phá trong cuộc tấn công kéo dài gần 4 tháng qua cho thấy những khó khăn mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải đối mặt khi thực hiện cam kết tiêu diệt nhóm này.
Ông Eyal Hulata, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, cho biết có nhiều thông tin về việc Hamas đang trỗi dậy, đang kiểm soát ở miền Bắc Gaza và quản lý thương mại ở đây. Ông bình luận đây là một kết quả rất tồi tệ.
Ông Michael Milstein thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv nói rằng Hamas đã tái lập quyền kiểm soát tại các khu vực của Gaza mà Lực lượng Phòng vệ Israel đã chiếm giữ sau cuộc giao tranh đẫm máu năm 2023.
Các khu vực này gồm phần lớn khu vực phía Bắc bị tàn phá, trong đó có trại Shaati, các trại tị nạn ở Jabaliya, Shejaiya và Thành phố Gaza.
Ông Milstein nói: “Hamas kiểm soát những khu vực này. Không có tình trạng hỗn loạn hay khoảng trống quyền lực vì người lao động của Thành phố Gaza hoặc lực lượng phòng vệ cứu hộ dân sự thực sự là một phần của Hamas và họ đang thiết lập trật tự công cộng. Hamas vẫn tồn tại. Hamas đã sống sót”.
Theo ông Milstein, Israel cho rằng đã phá vỡ được cấu trúc quân sự cơ bản của Hamas ở phía Bắc Gaza. Tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng khi đối phó với quân đội thông thường chứ không hiệu quả khi đối phó với một hoạt động du kích linh hoạt như Hamas.
Hamas có một cánh chính trị và các lực lượng quân sự, cùng với một mạng lưới rộng khắp các tổ chức từ thiện và hiệp hội dân sự. Phong trào này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine năm 2006 và giành quyền kiểm soát quân sự hoàn toàn ở Gaza vào năm 2007 sau một cuộc tranh giành quyền lực. Từ đó, Hamas đã quản lý lãnh thổ này, tăng thuế và quản lý các dịch vụ ở đây. Nhiều quan chức chính quyền các cấp ở Gaza trước chiến tranh với Israel đều là thành viên của Hamas hoặc có thiện cảm với tổ chức này.
Các quan chức viện trợ quốc tế ở miền Nam Gaza nói rằng hiện nay ít thấy hiện diện của Hamas trên đường phố, nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel.
Các cơ quan viện trợ đang cố gắng phân phối thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác cho người di tản ở miền Nam Gaza và họ vẫn tiếp tục làm việc với các quan chức do Hamas bổ nhiệm. Hamas vẫn cung cấp cảnh sát hộ tống các đoàn xe, mặc dù khả năng nắm quyền của nhóm này có vẻ yếu hơn so với trước chiến tranh.
Ông William Schomburg, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ở Gaza cho biết: “Có tình rạng vi phạm chung về luật pháp và trật tự. Tội phạm nói chung đang gia tăng. Điều này rất đáng lo ngại khi nhu cầu của người dân ngày càng trở nên cấp thiết hơn”.
Các quan chức viện trợ cũng cho biết có nhiều vụ xe tải viện trợ bị cướp phá và tấn công, chủ yếu ở khu vực miền Trung của Gaza, nơi không do lực lượng Hamas hay Israel kiểm soát.
Một người nói: “Nhiều đoàn xe viện trợ đang được hộ tống có vũ trang. Không rõ đây là cảnh sát Hamas hay các công ty an ninh tư nhân”.
Một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc mô tả Rafah (thị trấn ở miền Nam ở Gaza) là nơi cuối cùng còn duy trì trật tự dân sự nhờ hiện diện của cảnh sát Hamas.
Một số cuộc tấn công vào các đoàn xe được cho là do các gia đình quyền lực và được trang bị vũ khí tốt ở miền Trung Gaza gây ra.
Về phần mình, các quan chức Israel tuyên bố lực lượng của họ đã tiêu diệt khoảng 9.000 trong số 30.000 tay súng mà Hamas ước tính có thể huy động trước cuộc chiến. Các quan chức tình báo Israel tin rằng những người thiệt mạng bao gồm khoảng 1.000 tay súng tinh nhuệ của lữ đoàn Nukhba, mặc dù có khoảng 3.000 đến 4.000 người vẫn còn hoạt động.
Ông Matt Levitt, chuyên gia về Hamas tại Viện Washington, cho biết nhóm này đã bị suy yếu nghiêm trọng về mặt lực lượng chiến đấu. Ông nói: “Tôi có cảm giác rằng một tỷ lệ rất đáng kể lực lượng chiến đấu của Hamas đã thiệt mạng, bao gồm cả các thủ lĩnh. Ngay cả khi họ quay trở lại miền Bắc, họ vẫn chỉ chiến đấu như những nhóm nổi dậy, chứ không phải theo đại đội hay tiểu đoàn”.
Các nguồn thông tin thân cận với Hamas cho biết có tình trạng chia rẽ sâu sắc trong tổ chức này, như cạnh tranh gay gắt giữa các lãnh đạo chính trị lưu vong; chia rẽ giữa những người ở Gaza và những người bên ngoài lãnh thổ này.
Ông HA Hellyer tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết chủ nghĩa bè phái như vậy là không thể tránh khỏi. Ông nói: “Giới lãnh đạo chính trị bên ngoài sẽ ngày càng không liên quan hơn. Tại một thời điểm nào đó, người ta sẽ hoài nghi về sự liên quan của họ… và chia rẽ là điều rất phổ biến khi các nhóm rơi vào tình huống này”.
Tình trạng chia rẽ có thể cản trở các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn mới.
Các quan chức quân sự, nhà phân tích và một số chính trị gia ở Israel tin rằng cuộc tấn công của Israel ở Gaza có thể kéo dài trong nhiều tháng với cường độ hiện tại và tình trạng thù địch có thể tiếp tục trong nhiều năm.
Mặc dù không có bằng chứng về việc tuyển mộ người vào Hamas ở Gaza, nhưng điều này sẽ dễ xảy ra hơn nếu xung đột kéo dài.
Tiến sĩ Mkhaimar Abusada, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Al-Azhar ở Gaza cho biết: “Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn thì sẽ còn có việc tuyển mộ vì lý do đơn giản là đã có đổ máu, giết chóc, tàn phá, nạn đói... và chỉ càng kích động thêm sự căm ghét và ý chí chiến đấu của một bộ phận dân chúng”.
Hamas cũng có năng lực tuyên truyền rõ ràng và có khả năng biên tập, sản xuất video ở Gaza. Nhóm này có thể đáp trả các động thái của Israel. Một trong các ví dụ là sau khi Israel thả tờ rơi xuống Rafah có in hình ảnh của hàng chục con tin, đưa ra phần thưởng cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về nơi ở của họ, thì vài giờ sau, Al-Majd al-Amni (một cơ quan truyền thông có liên hệ với lực lượng an ninh nội bộ Hamas) đã cảnh báo người Palestine không nên chấp nhận lời đề nghị này.