Những vườn ô liu ở Tunisia héo khô. Sông Amazon ở Brazil chứng kiến mùa khô hạn nhất trong một thế kỷ. Những cánh đồng lúa mì hoang tàn ở Syria và Iraq, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói khát sau nhiều năm xung đột. Kênh đào Panama, nút thắt thương mại quan trọng, không có đủ nước cho tàu thuyền lưu thông. Nỗi lo hạn hán đã khiến Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hạn chế xuất khẩu phần lớn loại ngũ cốc quan trọng này.
Liên hợp quốc ước tính rằng 1,84 tỷ người trên toàn thế giới, tương đương gần 1/4 nhân loại, đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào năm 2022 và 2023. Phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình.
Ông Ibrahim Thiaw, người đứng đầu cơ quan đưa ra ước tính trên, viết trong lời nói đầu của báo cáo: “Hạn hán diễn ra trong thầm lặng, thường không được chú ý và không gây ra phản ứng chính trị và công chúng ngay lập tức”.
Nhiều đợt hạn hán trên khắp thế giới xảy ra vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và lạm phát giá lương thực gia tăng. Trước đó, cuộc chiến tranh ở Ukraine liên quan đến hai quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu đã khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, và nạn nhân là những người nghèo nhất thế giới.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, vào năm 2023, giá gạo - loại ngũ cốc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của đa số dân số toàn cầu - đã leo lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hiện tượng khô nóng bất thường hiện nay đang trở nên tồi tệ hơn vì hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu. Ví dụ, các nhà khoa học gần đây kết luận ở Syria và Iraq, hạn hán kéo dài ba năm sẽ rất khó xảy ra nếu không có áp lực của biến đổi khí hậu. Sự xuất hiện của El Nino vào năm 2023, làm nhiệt độ ấm hơn bình thường ở một số khu vực trên Thái Bình Dương, cũng rất có thể đã góp phần gây ra hiện tượng này.
Tại đợt El Nino xảy ra giữa năm 2014 và 2016, Đông Nam Á chứng kiến sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh, đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực.
Điểm khác biệt lần này là thế giới đang chứng kiến mức nghèo đói kỷ lục, sau cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, cộng thêm bởi các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Dải Gaza. 258 triệu người đang phải đối mặt với cái mà Liên hợp quốc gọi là “nạn đói cấp tính”, trong đó một số người đang trên bờ vực chết đói.
Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói - nhóm nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ - ước tính rằng hình thái El Nino đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của ít nhất 1/4 diện tích đất nông nghiệp trên thế giới.
Các chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu fewsNet cho biết dựa trên những gì từng xảy ra trước đây, El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm giảm năng suất lúa ở Đông Nam Á - nơi gạo là nguyên liệu chính của mọi bữa ăn.
Lúa gạo rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các chính phủ cũng rất dễ bị tổn thương trước những biến động của giá gạo. Điều này giúp giải thích tại sao Indonesia, quốc gia sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2024, lại chuyển sang tăng cường nhập khẩu gạo trong thời gian gần đây. Nó cũng giải thích tại sao Ấn Độ, quốc gia cũng sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2024, đã áp đặt một loạt thuế xuất khẩu, mức giá tối thiểu và lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn đối với gạo của nước này.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ là một biện pháp phòng ngừa. Chính phủ từ lâu đã dự trữ lượng lớn gạo và cung cấp gạo cho người nghèo với mức chiết khấu cao. Các hạn chế xuất khẩu tiếp tục giúp giữ giá ở mức thấp và ở một quốc gia nơi hàng trăm triệu cử tri sống dựa vào gạo, chúng giúp giảm bớt rủi ro chính trị cho các nhà lập pháp đương nhiệm.
Nhưng Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và những hạn chế của nước này đang được áp dụng ở nhiều nơi khác. Giá gạo đã tăng vọt ở các quốc gia phụ thuộc vào gạo Ấn Độ như Senegal và Nigeria.
Trước đó, El Nino cũng là tin xấu đối với cây ngô ở hai “vựa ngô” lớn: Nam Phi và Trung Mỹ. Điều đó thật tồi tệ đối với những người nông dân ở đó. Nhiều người trong số họ phải sống chật vật vì giá lương thực vốn đã đắt đỏ.
Hạn hán ở Trung Mỹ ảnh hưởng đến nhiều thứ chứ không chỉ lương thực. Vấn nạn bạo lực và bất ổn kinh tế đã khiến hàng triệu người cố gắng di cư về phía Bắc để đến Mỹ. Và hạn hán có thể thúc đẩy thêm dòng người tìm đến biên giới Mỹ. Nghiên cứu cho thấy những năm khô hạn bất thường sẽ chứng kiến quy mô di cư lớn hơn từ Trung Mỹ đến Mỹ.
Dọc theo Kênh đào Panama, thời tiết khô hạn đã buộc công ty vận tải khổng lồ Moller-Maersk ngày 11/1 phải tuyên bố rằng họ sẽ dừng đi qua kênh đào này, và thay vào đó sẽ sử dụng tàu hỏa để chuyển hàng hóa. Xa hơn về phía Nam, hạn hán ở sông Amazon đã khiến nước uống trở nên khan hiếm và cản trở giao thông đường thủy.
Hạn hán ở Brazil còn gây ra nhiều mối nguy hiểm sâu rộng hơn. Rừng nhiệt đới Amazon khỏe mạnh là một “nhà kho” chứa carbon khổng lồ. Nhưng “lá phổi xanh” sẽ bị hủy hoại nếu nắng nóng và hạn hán giết chết cây cối và gây cháy rừng.