Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, Đài Quan sát Hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU - GDO) đã nêu bật hiện tượng đất đai ngày càng khô cằn đang diễn ra do các đợt nắng nóng liên tiếp ập tới kể từ tháng 5 và tình trạng thiếu mưa kéo dài. Theo báo cáo, hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm đến nay tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8.
Nguy cơ hạn hán ngày càng gia tăng đã được dự báo đối với các nước như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Luxembourg, Romania và Hungary, cũng như các nước không thuộc EU như Anh, Serbia, Ukraine và Moldova. Báo cáo ước tính 17% khu vực châu Âu hiện nằm trong danh mục báo động đỏ, cao hơn mức 11% được đưa ra vào tháng 7.
Báo cáo lưu ý lượng mưa gần đây (vào giữa tháng 8) có thể đã làm giảm bớt tình trạng hạn hán ở một số khu vực của châu Âu. Tuy nhiên, ở một số nơi, mưa lớn kèm theo các cơn giông đã gây thiệt hại và có thể hạn chế tác động có lợi mà lượng mưa mang lại.
Các khu vực của EU ở Địa Trung Hải sẽ "ấm và khô hơn so với bình thường" cho đến tháng 11 tới. Các khu vực hứng chịu những đợt mưa bất thường trong 3 tháng qua bao gồm các vùng của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, miền Trung nước Italy, Thụy Sĩ, miền Nam nước Đức và phần lớn lãnh thổ Ukraine.
GDO cũng cho biết lượng mưa bình thường sẽ được ghi nhận tại các khu vực của châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 song "có thể không đủ để phục hồi hoàn toàn từ mức thất thoát tích lũy trong hơn nửa năm nay". Các khu vực của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Croatia có thể tiếp tục trải qua điều kiện thời tiết "khô hơn so với bình thường", trong khi thời tiết khô hạn ở dãy Alps có khả năng giảm bớt.
Báo cáo tiếp tục duy trì cảnh báo được đưa ra trước đó rằng gần 50% lãnh thổ EU có nguy cơ bị hạn hán. GDO cũng lưu ý rằng các con sông nhỏ và nguồn nước bị thu hẹp đang ảnh hưởng đến việc sản xuất năng lượng tại các nhà máy điện cũng như các vụ mùa.
Các nước châu Âu đã phải đối mặt với mùa Hè nóng bức và khô hạn kỷ lục, trong đó miền Bắc nước Italy trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua khiến sông Po, được ví như "vua của các con sông" và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này, cạn đáy.
Nước Pháp bị tàn phá vì những trận cháy rừng diện rộng và lòng sông Loire khô cằn đến mức có thể đi bộ qua. Trong khi đó, mực nước sông Rhine ở Đức giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động thương mại thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn.
Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua. Hạn hán gây ra nhiều tác động khác như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức trong bối cảnh nước này mở rộng nguồn nhiên liệu thay thế cho khí đốt từ Nga. Hạn hán cũng ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Pháp và gây cháy rừng ở Anh.