Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo công bố ngày 6/5 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết hạn hán kéo dài tại Angola đã khiến hơn 2,3 triệu người dân nước này phải sống trong tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm do hoạt động chăn nuôi và sản xuất bị ảnh hưởng, trong khi hàng nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Tại tỉnh Cunene, phía Nam Angola, giáp Namibia, hạn hán kéo dài từ tháng 10 năm ngoái đến nay đã khiến 90% dân số (khoảng 1,1 triệu người) thiếu nước nghiêm trọng. Số người cần hỗ trợ nhân đạo tại địa phương này đã tăng gấp hơn 3 lần, từ khoảng 250.000 người trong tháng 1 lên đến 850.000 người vào tháng 3 vừa qua. Hạn hán cũng khiến ngành nông nghiệp tê liệt và hơn 26.000 gia súc bị chết. Nghiêm trọng hơn, hiện có gần 500.000 trẻ em Angola đang đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, trong đó khoảng 2.500 trẻ em dưới 5 tuổi tại nhiều địa phương khác đã và đang phải điều trị suy dinh dưỡng cấp.
Trong chuyến thị sát mới nhất cuối tuần qua tới các địa phương ảnh hưởng thiên tai, Tổng thống Angola João Lourenço nhận định tình hình có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong 5 tháng mùa khô sắp tới.
Hiện Chính phủ Angola đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán để huy động các nguồn lực, giảm thiểu thiệt hại về người và vật nuôi. Trước đó, chính phủ đã phê duyệt các chương trình mua sắm các thùng trữ nước bằng nhựa, xe tải chở nước, khoan thêm nhiều giếng, xây dựng đập trong giai đoạn 4 năm tiếp theo.
Tháng 1 vừa qua, Chính phủ Angola đã tuyên bố tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán, nhưng hiệu quả còn hạn chế do thiếu kinh phí. Theo đánh giá, sự hỗ trợ của UNICEF mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu tài chính để đối phó với hạn hán tại Angola.
Trong khi đó, 6/5, Namibia - quốc gia láng giềng của Angola, đã ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán trên diện rộng được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Chính phủ sẽ hỗ trợ thu mua gia súc, gia cầm của các hộ nông dân, cung cấp thùng đựng nước cho các khu vực dân cư không có nguồn nước thay thế, tăng cường khoan giếng và huy động các nguồn lực để đối phó với tình hình nghiêm trọng đang diễn ra.