Theo trang oilprice.com, hạn hán tấn công châu Âu đang tác động đến mọi thứ, từ lương thực, vận chuyển hàng hóa đến môi trường.
Tại Italy, mực nước sông Po đã giảm hai mét so với mực nước bình thường, khiến những cánh đồng lúa khô cạn.
Trong khi đó, sông Rhine của Đức đã cạn nước đến mức các tàu chở hàng không thể chở đầy hàng qua sông, đẩy chi phí vận chuyển lên cao.
Sông Tille ở vùng Burgundy của Pháp hiện là một bãi cạn có xác hàng nghìn con cá.
Hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất năng lượng của châu Âu. Số liệu của công ty Đức Statista cho thấy năng lượng thủy điện đã giảm khoảng 20% kể từ năm 2021. Điều này một phần là do các hồ chứa đã cạn kiệt ở các nước như Italy, Serbia, Montenegro và Na Uy.
Na Uy vốn là quốc gia sản xuất điện từ thủy điện lớn. Nước này thậm chí đang thực hiện các bước để giảm xuất khẩu, ưu tiên lấp đầy hồ chứa đang ở mức thấp để có thể duy trì sản xuất điện phục vụ trong nước.
Theo Reuters, đầu tuần này, giá điện trong một số hợp đồng điện tương lai được giao dịch ở Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức cao nhất. Nhà phân tích Fabian Ronningen của công ty Rystad Energy cho biết: “Một số yếu tố đang tích tụ: Thị trường không chắc chắn về việc công ty điện lực Pháp EDF có tăng khả năng cung cấp điện hạt nhân đủ cho mùa đông hay không".
Pháp đã phải đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân vì nước các sông Rhone và Garonne quá ấm nên không thể làm mát các lò phản ứng của nhà máy điện. Pháp phụ thuộc 70% vào năng lượng hạt nhân và là nước xuất khẩu điện chính, thường cung cấp cho Italy, Đức và Anh. Ngoài việc không có đủ nước để làm mát, các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp còn phải ngừng hoạt động do trục trặc và các vấn đề bảo trì, vốn đã bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Những lý do kết hợp này có nghĩa là sản lượng thủy điện của Pháp giảm gần 50%.
Sản lượng điện sản xuất từ thủy điện và hạt nhân ở châu Âu giảm đã khiến bức tranh an ninh năng lượng ở châu Âu thêm tối tăm. Từ trước hạn hán, các nước châu Âu đã phải vất vả đối phó với giá năng lượng tăng vọt do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh.
Trong khi đó, lượng khí đốt của tập đoàn Nga Gazprom đến châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với thường lệ. Công ty này cảnh báo rằng giá khí đốt giao ngay tại thị trường châu Âu có thể lên tới 4.000 USD/1.000 m3. Gần đây, giá giao ngay đã phá vỡ ngưỡng 2.500 USD/1.000 m3.
EU đã nhanh chóng chuyển từ khí đốt Nga sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, nhưng tốc độ vẫn chưa đủ. Năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ không phải là vô hạn và các nhà sản xuất Mỹ cũng có các khách hàng khác ở châu Á. Khi mùa đông đến gần, người mua châu Á ngày càng sẵn sàng trả các khoản phí bảo hiểm cao hơn cho LNG, điều này khiến cuộc cạnh tranh mua LNG thêm căng thẳng.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá điện ở một số khu vực của châu Âu đã đạt kỷ lục. Hợp đồng điện thực hiện vào năm sau của Đức đã tăng lên hơn 530 euro/MWh vào đầu tuần này, tăng 500% trong 12 tháng qua. Không có ngành công nghiệp nào có thể chịu được cú sốc giá như vậy mà không bị tổn hại.
Đức đã phải chi số tiền tương đương hơn 15 tỷ USD để cứu trợ một trong những công ty khí đốt lớn nhất là Uniper vào đầu năm nay. Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF cảnh báo rằng tình trạng thiếu khí đốt có thể tàn phá ngành công nghiệp này. Các nhà máy luyện nhôm và kẽm đang đóng cửa, các nhà máy phân bón cũng vậy. Tất cả đều vì giá khí và điện cao kỷ lục.
Hơn nữa, nếu chỉ dự trữ khí đốt thì sẽ không đủ để giữ cho các nền kinh tế châu Âu vượt qua những tháng mùa đông. EU sẽ cần nhiều khí đốt được cung cấp thường xuyên hơn. Ngoài Mỹ, có rất ít nơi khác mà EU có thể mua khí đốt. Đó có thể là lý do tại sao giới chức quản lý năng lượng Đức cảnh báo nền kinh tế lớn nhất EU này sẽ cần giảm tiêu thụ khí đốt xuống 1/5 để tránh tình trạng thiếu hụt và phải hạn chế khí đốt trong mùa đông.