Cố vấn Ủy ban Quốc gia về Quản lý Thảm họa của Campuchia (NCDM) Keo Vy cho rằng sẽ rất khó để bơm đủ nước cho các khu vực chịu ảnh hưởng của khô hạn. Lúa được trồng từ tháng 5, tháng 6 và dự kiến thu hoạch vào tháng 8 và tháng 9 này, nhưng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi lịch mùa vụ. Hơn 40.000 hécta lúa đang bị đe dọa vì thiếu nước trong khi 5.000 hécta khác cũng chịu thiệt hại. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Battambang, Banteay Meanchey và Kampong Thom.
Trong khi các tỉnh trên đối mặt với tình trạng thiếu nước, thì ở khu vực núi Cardamom (phía Tây Nam) và Cao nguyên Đông Bắc của Campuchia lại xảy ra giông lốc mạnh gây mưa và ngập lụt. Tuy nhiên, nông dân nước này cho biết lượng nước mưa vẫn ít, chưa đủ cho sản xuất nông nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Battambang - ông Chhim Vachira, hạn hán trong những tuần gần đây gây thiệt hại nghiêm trọng cho 17.981 hécta lúa tại các huyện Bavel, Thma Koul và Banan thuộc tỉnh này. Có tới 1.000 hécta lúa đã bị hỏng và người nông dân phải trồng lại. Ngày 5/8, đã có mưa tại một số nơi thuộc huyện Bavel và Thma Koul, nhưng lượng mưa ít và huyện có thể phải bơm nước để cứu lúa.
Báo cáo mới đây của Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết dòng chảy ngược hàng năm từ dòng Tonle Sap vẫn bị chậm trễ khiến mực nước trên Biển Hồ Tonle Sap giảm xuống rất thấp. Báo cáo của MRC đánh giá dòng chảy vào sông Mekong và lượng mưa thấp từ các khu vực thượng lưu con sông đã khiến Biển Hồ ở trong “tình trạng vô cùng nguy kịch”.
Mực nước thấp ở Biển Hồ Tonle Sap có thể ảnh hưởng đến thời gian cá đẻ trứng trong mùa lũ về và dẫn tới tình trạng thiếu hụt nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.